Nhiều lợi ích từ sản xuất rau an toàn

07:02, 20/06/2015

Qua 1 năm thực hiện, dự án Xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm rau xanh trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Đây là dự án do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý và được Trung tâm Dạy nghề 20-10 (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) chủ trì thực hiện từ tháng 7-2014. Dự án được thực hiện với sự tham gia của 50 hội viên phụ nữ thuộc xóm Huống Trung, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) với mục tiêu: Nâng cao trình độ, nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng hoá chất, phân bón, bảo quản rau nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng; tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho người dân; xây dựng hệ thống cửa hàng cung cấp sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

 

Chị Lưu Thị Tuyết Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề 20-10 thông tin: Tham gia Dự án, các hộ dân sẽ được tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Hiện nay, các sản phẩm rau, quả của các hộ gia đình tham gia Dự án đã được bán tại cửa hàng rau an toàn thuộc Trung tâm Dạy nghề 20-10 (nằm trên phố Quyết Tiến, T.P Thái Nguyên). Tuy giá thành tại đây cao hơn rau, quả bán tại chợ nhưng vẫn được đông đảo người dân chọn mua vì chất lượng được đảm bảo.

 

Được biết, ban đầu dự án được triển khai trên diện tích 1ha nhưng đến nay đã tăng lên 2ha. Tính đến thời điểm hiện tại, 100% số hộ tham gia mô hình đều đã được cấp chứng nhận sản phẩm được sản xuất phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi, an toàn tại Việt Nam (VietGAP). Chị Ngô Thị Lê, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn xóm Huống Trung, Trưởng nhóm hội viên tham gia Dự án cho biết: Để đảm bảo sản xuất theo đúng quy trình và chất lượng của sản phẩm, chúng tôi đã thành lập 5 tổ giám sát, thanh tra nội bộ. Các chị em trong tổ tiến hành giám sát quy trình chăm sóc, thời gian cách ly, nhật ký trồng trọt… của nhau. Mỗi tháng, các tổ giám sát, thanh tra nội bộ họp một lần để trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệp sản xuất. Nhờ vậy, sản phẩm rau an toàn của tổ hợp tác luôn được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm chúng tôi sản xuất ra đều được các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn… thu mua với số lượng lớn.

 

Nói về lợi ích của Dự án, chị Vũ Thị Hoa, một thành viên mô hình chia sẻ: Trước đây, tôi bón phân, phun thuốc trừ sâu cho rau không theo quy trình nên rất tốn kém. Có thời điểm, một tháng tôi phun thuốc trừ sâu đến 4-5 lần. Mỗi lần tôi thường pha 2, 3 loại thuốc trừ sâu để phun cho rau, vừa tốn kém mà hiệu quả lại thấp. Từ khi tham gia Dự án, được tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn, tôi đã biết cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng chủng loại, liều lượng; đảm bảo đủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch; cách ngâm, ủ, xử lý phân tươi trước khi bón cho rau… So với phương thức sản xuất truyền thống, trồng rau an toàn vừa tiết kiệm được công sức lao động, chi phí sản xuất vừa mang lại hiệu quả cao.

 

Còn chị Nguyễn Thị Mầu bộc bạch: Từ khi tham gia Dự án, tôi đã hiểu được ý nghĩa của việc sản xuất rau an toàn, bởi các sản phẩm của gia đình mình không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn bảo vệ chính những người sản xuất. Thêm vào đó, rau an toàn cũng có đầu ra ổn định và giá bán cao hơn so với các sản phẩm rau sản xuất theo phương pháp truyền thống. Hiện nay, sản phẩm rau của gia đình tôi thường được các nhà hàng thu mua với số lượng lớn, gia đình tôi hầu như không phải chở đi bán lẻ tại các chợ như trước. Nhờ đảm bảo được quy trình sản xuất an toàn, giá bán của sản phẩm rau an toàn luôn cao hơn từ 20-40% so với rau sản xuất theo phương thức truyền thống.

 

Từ những hiệu quả bước đầu tại xóm Huống Trung, từ tháng 7 tới, Trung tâm Dạy nghề 20-10 sẽ tiếp tục triển khai Dự án tại phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) với quy trình tương tự. Được biết, Dự án sẽ được triển khai trong 3 năm (2014-2016). Việc Dự án được thực hiện thành công không chỉ là bước đệm để mở rộng mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ sản xuất rau an toàn, tạo nguồn sản phẩm hàng hoá lớn, ổn định, lâu dài mà còn tạo điều kiện cho người nông dân tiếp thu phương thức canh tác mới, xây dựng mô hình sản xuất tập trung có giá trị kinh tế lớn.