Thực tế đã chứng minh, nguồn vốn, sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm là một kênh quan trọng giúp thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, từ đó hình thành nên các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH và CN) - bước khởi đầu của các tập đoàn công nghệ trong tương lai. Tại Việt Nam, nguồn vốn này càng trở nên quan trọng, nhưng cần được tận dụng tối đa.
Đầu tư mạo hiểm là phương thức đầu tư trong đó nhà đầu tư đầu tư vốn vào công ty mới khởi nghiệp, nhưng có tiềm năng vượt bậc trên cơ sở chấp nhận rủi ro lớn sau một khoảng thời gian nhất định thông qua các phương thức: niêm yết trên thị trường chứng khoán, hợp nhất hoặc chuyển nhượng quyền cổ phần để rút vốn, hoàn vốn đầu tư ban đầu với lợi nhuận cao hơn nhiều so với đầu tư ban đầu.
Hiệp hội đầu tư mạo hiểm Mỹ (NVCA) coi đầu tư mạo hiểm là vốn quyền lợi trong doanh nghiệp do nhà tài chính đầu tư vào doanh nghiệp mới khởi nghiệp, phát triển nhanh, có tiềm năng cạnh tranh lớn. Đầu tư mạo hiểm liên quan đến sáu yếu tố gồm: Vốn đầu tư mạo hiểm; nhà đầu tư mạo hiểm; hình thức doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm; đối tượng của đầu tư mạo hiểm; phương thức đầu tư mạo hiểm; quá trình thực hiện đầu tư mạo hiểm.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mô hình các tổ chức hợp tác hữu hạn là phù hợp với các cơ quan đầu tư mạo hiểm, chiếm hơn 80% số cơ quan đầu tư mạo hiểm ở Mỹ. Trong hoạt động đầu tư mạo hiểm, cơ quan đầu tư mạo hiểm chiếm vị trí trung tâm, có tác động quan trọng: thiết lập cơ cấu nguồn vốn phối hợp với đặc điểm kinh doanh tài sản của doanh nghiệp công nghệ cao; thông qua hoạt động của bản thân tham gia vào hoạt động quản lý kinh doanh của doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy dự án cung cấp thu nhập tương đối cao nhằm tăng tỷ lệ thu hồi vốn của dự án đầu tư mạo hiểm.
Ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư mạo hiểm cũng thường xuyên cung cấp vốn cho doanh nghiệp trưởng thành đang ở ranh giới sự phá sản, cần phải tái cấu trúc và chuyển hướng. Đầu tư mạo hiểm dạng này thường được tiến hành theo hai cách là: hợp nhất doanh nghiệp hoặc tiếp thu tác dụng đòn bẩy. Theo cách thứ nhất, đầu tư mạo hiểm thực hiện qua mua doanh nghiệp để hợp nhất thành doanh nghiệp có quy mô lớn, sau đó công khai niêm yết lên thị trường chứng khoán. Theo cách thứ hai, tiếp thu tác động đòn bẩy (LBO) do sử dụng tài sản của doanh nghiệp mạo hiểm để tiến hành bảo lãnh vay vốn mua doanh nghiệp sẵn có hoặc dây chuyền sản xuất của nó. Mức độ mạo hiểm của đầu tư này lớn, rất ít nhà đầu tư mạo hiểm quan tâm loại hình này.
Theo số liệu của Dynasty Investment đã công bố, ở Việt Nam có một số quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đang hoạt động khá hiệu quả đó là: Mekong Capital có ba quỹ tổng trị giá 181 triệu USD, VinaCapital có 232 triệu USD đầu tư mạo hiểm, IDG Ventures hiện có ba quỹ trị giá 500 triệu USD, BankInvest có một quỹ tập trung vào thị trường mới nổi trị giá 100 triệu USD, Công ty quản lý quỹ Prudential đã đầu tư 130 triệu USD vào các công ty tư nhân... Cho đến nay, các quỹ này đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD vào các công ty tư nhân, bên cạnh đó còn có những khoản đầu tư chưa được tiết lộ khác. Do đó, có thể dự đoán ở Việt Nam có khoảng 1,5 đến 2 tỷ USD đã và đang đầu tư vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, gấp khoảng ba lần ngân sách quốc gia chi thường xuyên cho KH và CN và một phần quan trọng của dòng vốn đầu tư này là cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với chu kỳ từ hai đến bảy năm.
Các thương vụ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đang diễn ra khá sôi động, thị trường cho lĩnh vực này rất rộng lớn và đa dạng ở nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau trong đó lĩnh vực đầu tư khởi nghiệp doanh nghiệp mạo hiểm (doanh nghiệp KH và CN) đã có những thành công bước đầu. Trong giai đoạn hiện nay, với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nền kinh tế, cấu trúc lại mô hình phát triển doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành, trong đó việc đánh giá đúng vai trò, vị trí của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước sẽ là bước đi quan trọng của đầu tư mạo hiểm, nhất là với cách tiếp cận phát triển dựa trên yếu tố KH và CN đối với doanh nghiệp.
Như vậy, phải xây dựng bổ sung và ban hành các cơ chế chính sách về đầu tư mạo hiểm đối với dự án KH và CN, trong đó lấy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp làm trung tâm, phải hình thành được nguồn vốn mạo hiểm từ các thành phần kinh tế trong xã hội, từ trung ương đến địa phương. Một trong những vấn đề quan trọng là cần tăng cường hoạt động truyền thông để tạo ra hiệu ứng lan tỏa và sự đồng thuận về đầu tư mạo hiểm cho các ý tưởng mới, cho khởi nghiệp từ các sản phẩm mới, quy trình mới, dịch vụ mới với mục tiêu tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng và hiệu quả từ các doanh nghiệp KH và CN của Việt Nam, hướng tới hình thành các tập đoàn công nghệ, những doanh nhân công nghệ của Việt Nam trong thời kỳ mới.