Bài toán đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp

09:09, 18/07/2015

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, trình độ công nghệ của Việt Nam hiện nay đang xếp hạng 99/144 quốc gia được khảo sát. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới công nghệ trong sản xuất, đồng thời cần một môi trường thể chế lành mạnh, minh bạch của Nhà nước.  

Thống kê từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) cho thấy, hiện nay cả nước có gần 600 nghìn doanh nghiệp, với hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lớn đều đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ hai đến ba thế hệ. Trong đó có đến 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang...; chỉ có 20% là nhóm ngành sử dụng công nghệ cao. Khảo sát từ Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, tỷ lệ giá trị nhập khẩu công nghệ, thiết bị mỗi năm tại Việt Nam chưa đến 10% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó tỷ lệ tại các nước đang phát triển khác lên đến 40%. Mức độ làm chủ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam thuộc hàng thấp so với khu vực. Mặc dù hiện nay, doanh nghiệp được phép trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư đổi mới công nghệ, nhưng thực tế mức đầu tư này còn rất thấp.

 

Do còn hạn chế về trình độ công nghệ cho nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó tham gia những dự án lớn, chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn để sản xuất và xuất khẩu. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam đạt hơn 23 tỷ USD, nhưng phải nhập khẩu nguyên phụ liệu lên đến 15 tỷ USD, phần lớn từ các nhà cung ứng của Hàn Quốc và các nước khác, doanh nghiệp 100% vốn trong nước ít tham gia vào chuỗi cung ứng này. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự lạc hậu về công nghệ và kỹ thuật sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng thấp, không ổn định và giá thành cao, hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Chu Đức Khải, ngành thép đang ở thế "phòng ngự" là chính. So với Nga, chi phí sản xuất một tấn phôi thép của Việt Nam đang cao gấp ba lần. Đây cũng là nguyên nhân khiến thép Việt Nam đang trong tình thế khổ sở khi phải cạnh tranh với sản phẩm thép của một số nước khác. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đều đang trong tình trạng sử dụng không hiệu quả vốn, sức cạnh tranh thấp, nên "thắng ít trên sân khách" và "thua nhiều trên sân nhà". Bởi vậy, doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì đổi mới công nghệ là một yêu cầu tất yếu, mang tính chiến lược dài hạn.

 

Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân cho rằng, hiện nay tình hình đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp đang diễn ra rất chậm chạp. Cần có một chế tài đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp phải trích 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ. Như với các doanh nghiệp nhỏ có thể đóng góp cho quỹ phát triển KH và CN địa phương, hoặc tạo dựng một nguồn quỹ chung cho phép tái đầu tư theo thứ tự, miễn làm sao mỗi năm sẽ có một số doanh nghiệp được hỗ trợ để đổi mới công nghệ. Cứ như vậy, về lâu dài, các doanh nghiệp dần sẽ được đổi mới công nghệ, nâng cao được sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài.

 

Do thấy được vai trò quan trọng của việc đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp, đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy hoạt động này. Theo đó, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 10-5-2011, đặt ra các mục tiêu: đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm, trong đó có 5% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, trọng điểm quốc gia làm chủ và tạo được công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm. Cùng với đó là Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19-2-2013 phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. Để thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, từ chính sách, tài chính đến truyền thông. Theo TS Phạm Chí Trung, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội, cần thực hiện đồng bộ và đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách; tăng cường phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sự cần thiết của đổi mới công nghệ trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hội chợ công nghệ và thiết bị mang tầm quốc gia, địa phương, các sàn giao dịch công nghệ để phục vụ hiệu quả nhu cầu kết nối cung cầu. Quỹ Phát triển KH và CN quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cần mở rộng hình thức hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh vốn vay... giúp doanh nghiệp xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ. Hỗ trợ tổ chức đào tạo ngắn hạn cho lãnh đạo doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao về quản trị công nghệ...

 

Doanh nghiệp Việt Nam muốn sản xuất được những sản phẩm chất lượng, có giá trị cao, cần nhận thức rõ tầm quan trọng của đổi mới công nghệ. Cùng với đó là Nhà nước có những hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tạo lập một môi trường thể chế lành mạnh và minh bạch. Có như vậy thì tiến trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam mới thành công, nâng cao được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia.