Chọn lợi thế để đầu tư phát triển nông nghiệp

15:18, 30/07/2015

Võ Nhai là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương xác định đây là lĩnh vực kinh tế then chốt. Từ đó, huyện đã triển khai nghiêm túc cơ chế, chính sách của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp và có nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện, thực tiễn của địa phương để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân…

Đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ.

 

Huyện Võ Nhai không phải là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh do địa hình có nhiều đồi núi, chia cắt bởi khe, suối nên những cánh đồng chuyên cấy lúa, trồng ngô, cây màu thường nhỏ hẹp. Cùng với đó là nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp còn khó khăn…Từ thực tế trên nên cấp uỷ, chính quyền huyện chỉ đưa ra chỉ tiêu cây lúa phục vụ đủ nhu cầu lương thực sinh hoạt cho nhân dân địa phương và một phần phục vụ chăn nuôi. Lấy cây ngô là cây trồng ngắn ngày nhưng tạo sản phẩm hàng hoá chính. Để đạt và duy trì được mục tiêu nêu trên, huyện đã chú trọng đầu tư hệ thông thủy lợi; cấp kinh phí hỗ trợ hoạt động khuyến nông; tuyên truyền, vận động nhân dân đưa các giống lúa, ngô lai có năng suất, chất lượng nhưng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương vào gieo trồng đại trà…

 

Do đó, sản lượng lương thực bình quân hàng năm của Võ Nhai đã đạt 53.122 tấn, riêng năm 2012 đã đạt 56.204 tấn (tăng 14.041 tấn so với năm 2010). Trong đó, diện tích lúa cấy lúa khoảng 4.800ha (sản lượng đạt 25.000 tấn), ngô đạt hơn 6.200ha (sản lượng đạt hơn 28.000 tấn). Tuy nhiên, qua đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Việc phát triển cây lúa, ngô ở địa phương ít có khả năng mở rộng diện tích do không còn quỹ đất để khai phá; nhiều diện tích đất trồng ngô trên đồi đã bạc màu nên năng suất giảm dần; lợi nhuận từ cây ngô không còn cao như trước do phải cạn tranh với giá ngô nhập khẩu, chi phí sản xuất tăng cao…Vì vậy, ngành Nông nghiệp huyện đã, đang tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền chuyển dịch một phần đất cây lúa 1 vụ, đất nương bãi trồng ngô sang trồng những cây lâu năm cho hiệu quả kinh tế cao hơn…

 

Dành quỹ đất trồng cây ăn quả, rừng kinh tế

 

Hiện tại, huyện Võ Nhai có 5 làng nghề chè với diện tích khoảng 1.100ha chè, sản lượng năm 2014 đạt 5.707 tấn. Các loại chè giống mới: Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, LPD 1 cho năng suất, chất lượng cao dần thay thế cây chè truyền thống. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm chè chưa cao nên loại cây trồng này chưa có vai trò lớn đối ngành Nông nghiệp của huyện. Riêng đối với các mô hình trồng cây ăn quả đã được người dân Võ Nhai tích cực mở rộng với hơn 1.000ha, chủ yếu là: Na, nhãn, bưởi Diễn, cam Vinh, thanh long ruột đỏ... Trong đó, cây na đã và đang là cây trồng kinh tế mũi nhọn ở xã La Hiên và có xu hướng mở rộng. Diện tích na của huyện đạt trên 300ha (riêng ở xã La Hiên, diện tích na đạt 235ha). Mặc dù, yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cao, xong trồng na đem lại giá trị kinh tế lớn. Bà Phạm Thị Hằng, xóm Hiên Bình, xã La Hiên cho biết: Nhà tôi có hơn 2ha, năm nào được mùa cây na cho năng suất khoảng 160 tạ/ha. Với giá bán tại nhà từ 30-35 nghìn đồng/kg, mỗi năm trừ chi phí gia đình cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.
 Ngoài ra, diện tích rừng của Võ Nhai có hơn 626.000ha (rừng đặc dụng 19.000ha, rừng phòng hộ gần 20.000ha, rừng sản xuất 24.000ha) nên huyện đã, đang tập trung khai thác nguồn lợi này. Rừng đặc dụng từng bước được bảo vệ để đảm bảo an ninh quốc phòng, môi trường sinh thái và tứng bước phát triển du lịch sinh thái; rừng phòng hộ được khai thác đúng chức năng và tận dụng để nghiên cứu phát triển các cây dược liệu. Đặc biệt diện tích rừng sản xuất khá lớn nên huyện đã có nhiều chính sách để khuyến khích người dân đầu tư phát triển. Đó là đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình và các tổ chức có đủ năng lực để bảo vệ và phát triển… Ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Võ Nhai cho biết: Nhu cầu trồng rừng của người dân phát triển mạnh nên kết quả trồng rừng mới mỗi năm đạt gần 1.200ha. Cùng với đó là nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho một phần lao động nông nông thôn tại địa phương…

 

Chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá

 

Sản lượng ngô, lúa gia tăng đã phục vụ đắc lực cho hoạt động chăn nuôi của Võ Nhai và từng bước hình thành mô hình chăn nuôi tập trung (trên địa bàn huyện có 7 trang trại). Điển hình như các mô hình chăn thả gà ở xóm Bình An, xã Bình Long với 36 hộ tham gia, quy mô hơn 250 nghìn con gà thịt và gà hậu bị. Bên cạnh đó, nhờ chính sách hỗ trợ con giống, phòng chống dịch bệnh từ Chương trình Ngân hàng bò của Hội Chữ thập đỏ huyện; Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội ổn định đời  sống, sản xuất những xóm, bản đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”… đã có gần 100 hộ gia đình ở Võ Nhai có nhu cầu chăn nuôi trâu, bò được hỗ trợ con giống. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT Võ Nhai: Hiện nay, do nhu cầu lớn về thực phẩm sạch, chất lượng cao nên người dân trong huyện đã đẩy mạnh đầu tư chăn nuôi đại gia súc để kinh doanh. Hiện tại, tổng số đàn gia súc lớn của Võ Nhai có gần 7.800 con. Bên cạnh hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ gia đình ở Võ Nhai đã mở rộng hệ thống chuồng trại chăn nuôi có quy mô vài chục tới hàng trăm con lợn. Hiện tại, tổng số đàn lợn trên toàn huyện đạt 27.800 con, mỗi năm cung cấp lượng thịt hơi xuất chuồng 4.697 tấn.

 

Từng bước phát triển nghành nông nghiệp theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập cho người nông dân là đúng hướng của huyện Võ Nhai và đã đạt được những thành tựu nhất định. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Võ Nhai xác định sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn cho lĩnh vực này trong nhiệm kỳ tới…