Chú trọng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

17:52, 28/07/2015

Những năm gần đây, huyện Đồng Hỷ đã thực hiện tốt chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển các công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), làng nghề truyền thống. Nhờ đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) hoạt động trên địa bàn huyện đã không ngừng phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Mỏ đá Núi Voi (Công ty cổ phần Cơ điện Luyện kim Thái Nguyên), trụ sở tại thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ có các ngành nghề chính là khai thác và chế biến đá xây dựng và sản xuất vôi phục vụ ngành luyện kim. Trong 5 năm trở lại đây, việc tiêu thụ sản phẩm của Mỏ gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng suy thoái chung của nền kinh tế và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cùng loại. Trước thực tế đó, để ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Mỏ một mặt làm tốt công tác tiếp thị, tìm kiếm, mở rộng thị trường, giữ vững bạn hàng truyền thống bằng chất lượng và giá bán sản phẩm. Mặt khác, tập trung đầu tư, thay đổi trang thiết bị sản xuất đa dạng các mặt hàng để đáp ứng yêu cầu của khách hàng; phát động các phong trào tiết kiệm nhằm giảm chi phí sản xuất; tăng cường kiểm tra thực hiện tốt công tác an toàn, bảo hiểm lao động để hoạt động sản xuất bảo đảm. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc Mỏ đá Núi Voi cho biết: Nhờ có các biện pháp, giải pháp phù hợp nên thời gian qua, Mỏ đã khắc phục được khó khăn và hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra. Các sản phẩm của Mỏ năm 2013, 2014 và 6 tháng đầu năm nay vẫn đảm bảo tiêu thụ ở mức khá.

 

Được biết, hiện nay Mỏ là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất tỉnh về cung cấp các loại đá phục vụ cho xây dựng dân dụng, công nghiệp và phát triển giao thông. Bình quân mỗi năm, Mỏ đá Núi Voi tiêu thụ khoảng 350 nghìn m3 đá các loại trong tổng số 360 nghìn m3 đá sản xuất được. Từ đó, đảm bảo việc làm ổn định cho gần 200 cán bộ, công nhân với mức thu nhập bình quân đạt 4,3 triệu đồng/người/tháng; các chế độ bảo hiểm và chính sách khác đều được đơn vị được thực hiện đầy đủ.

 

HTX chè Tân Trà, có trụ sở tại xóm Na Long, xã Hóa Trung cũng có nhiều nỗ lực trong sản xuất kinh doanh. Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc HTX chia sẻ: Trước đây, HTX chỉ sản xuất sản phẩm chè búp truyền thống. Loại chè này đòi hỏi có thời gian pha chế và thưởng thức. Để phát triển sản xuất, kinh doanh, HTX chúng tôi đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, đa dạng hóa các mặt hàng. Qua tìm hiểu thị trường, chúng tôi nhận thấy nhiều người thích các đồ uống nhanh như chè Lipton, chè đen, chè Dilmah… Đây là các loại chè túi lọc rất phù hợp với những người có quỹ thời gian hạn chế mà vẫn có thể thưởng thức được trà. Vì vậy, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, HTX chè Tân Trà đã tìm thêm hướng đi mới, là sản xuất thêm sản phẩm chè túi lọc. Được sự tư vấn của huyện và hỗ trợ 80 triệu đồng theo đề án của Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), HTX chè Tân Trà đã đầu tư dây chuyền, thiết bị đồng bộ sản xuất trà túi lọc vào tháng 3-2014 với tổng trị giá trên 500 triệu đồng. Sau 1 năm đi vào sản xuất, HTX đã bán được trên 5 tấn chè túi lọc, doanh thu tăng 950 triệu đồng so với năm 2014; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 8 lao động với mức lương bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng.

 

Thời gian qua, ngoài sự nỗ lực, nhạy bén của các chủ cơ sở sản xuất, cùng các cấp chính quyền và cơ quan chức năng của huyện Đồng Hỷ đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển CN-TTCN. Nhờ vậy, các doanh nghiệp, HTX hoạt động trên lĩnh vực CN-TTCN và làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã không ngừng phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, đổi mới phương thức quản lý; giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động. Bên cạnh đó, 19 làng nghề của huyện cũng hoạt động khá hiệu quả, giải quyết việc làm cho trên 800 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định ở mức từ 1-3 triệu đồng/người/tháng. Theo báo cáo của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân của huyện hàng năm tăng 20,6%, CN-TTCN địa phương tăng 14,4%. Dự ước năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3 nghìn tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất CN-TTCN địa phương đạt 870 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 230 doanh nghiệp và 19 làng nghề truyền thống, tăng 50% so với đầu nhiệm kỳ…

 

Theo ông Phạm Kiều Hưng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện: Những giải pháp được Đồng Hỷ quan tâm thực hiện thời gian gần đây như cải cách thủ tục hành chính, tư vấn, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký kinh doanh; triển khai tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh; đào tạo lao động nông thôn; phối hợp triển khai hiệu quả chương trình khuyến công, hỗ trợ quảng bá sản phẩm… đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách về xúc tiến, thu hút đầu tư; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh ổn định. Trong đó, tiếp tục tập trung quan tâm tạo điều kiện phát triển các nhóm ngành, sản phẩm có thế mạnh như: khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, các sản phẩm chè… Cùng với đó, huyện cũng tập trung đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, bồi dưỡng về kiến thức quản lý kinh tế, chiến lược kinh doanh sản xuất cho các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, giúp họ tiếp cận với thị trường…