Cơ hội nào với DN địa phương?

07:47, 23/07/2015

Thời gian gần đây, với việc Tập đoàn Samsung đầu tư dự án sản xuất điện tử quy mô lớn trên địa bàn T.X Phổ Yên, có thể thấy chưa lúc nào ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh lại có điều kiện để phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra không thuận lợi như nhiều người nhận định.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một vấn đề mà các nhà quản lý cũng như nhiều chuyên gia phân tích đã nhìn ra nhưng chưa có phương án giải quyết tối ưu, đó là việc các doanh nghiệp (DN) nội địa đang gặp khó khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho những tập đoàn lớn của nước ngoài. Chúng ta đều nhận thấy sự chuyển động mạnh mẽ mà ngành công nghiệp tỉnh ta đạt được trong 2 năm trở lại đây là do những đóng góp chủ yếu của Tập đoàn Samsung. Chính sức hút của thương hiệu Samsung đã làm thay đổi căn bản diện mạo đầu tư của tỉnh khi kéo theo hàng loạt các dự án phụ trợ. Tuy nhiên, trong tổng số hơn 30 dự án phụ trợ đã và đang triển khai tại Thái Nguyên, gần như không có dự án nào do DN trong nước (chứ chưa nói trong tỉnh) đứng tên. Toàn bộ các dự án phụ trợ đều thuộc sở hữu của những DN đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo thông tin mới nhất do Tập đoàn Samsung cung cấp thì hiện nay đang có 250 đơn vị cung cấp nguyên liệu, phụ kiện và liên kết sản xuất điện tử với Samsung, trong đó đóng tại Việt Nam có 89 đơn vị. Điều đáng lưu tâm là trong số 89 đơn vị đó thì có tới 71 đơn vị, DN là nhà đầu tư Hàn Quốc, 14 đơn vị đến từ các quốc gia khác, còn Việt Nam chỉ có 4 DN. Mỗi năm, Samsung tạo ra giá trị sản xuất rất lớn (lên tới hàng chục tỷ USD), nhưng tỷ lệ giá trị do các DN Việt Nam tham gia không đáng kể. Hầu như các linh, phụ kiện phục vụ cho Tập đoàn Samsung đều phải nhập khẩu.

 

Đây đang là vấn đề đặt ra không chỉ đối với tỉnh ta mà với cả các nhà hoạch định, quản lý kinh tế Trung ương. Vấn đề này cũng được những người đứng đầu đất nước đặc biệt quan tâm. Trong chuyến thăm và làm việc tại Thái Nguyên những ngày đầu tháng 7 vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành nhiều thời gian trao đổi với tập thể lãnh đạo tỉnh và trò chuyện trực tiếp với người đứng đầu Công ty Điện tử Samsung Việt Nam và Thái Nguyên về khả năng cũng như định hướng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở địa phương. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, Samsung là điều kiện tốt nhất để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước cũng như giúp các DN nội địa tham gia vào chuỗi dây chuyền sản xuất của Tập đoàn này. Có như vậy, tỷ lệ nội địa hóa mới tăng cao, mang lại giá trị thực cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, điều chúng ta lo ngại hiện nay là có quá ít DN nội địa được tham gia sản xuất, cung cấp linh, phụ kiện cho Samsung. Chủ tịch nước đề nghị Samsung tạo điều kiện hơn nữa cho các đối tác trong nước cùng tham gia chuỗi liên kết.

 

Thời gian qua, Samsung đã tổ chức một số cuộc hội thảo, giới thiệu các sản phẩm linh, phụ kiện điện tử nhằm tìm kiếm các đối tác trong nước. Gần 300 DN nội địa, trong đó có cả DN Thái Nguyên tham gia nhưng gần như đều không thể trở thành đối tác của Samsung bởi nhiều lý do, trong đó chủ yếu do phía DN Hàn Quốc đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cũng như chất liệu sản xuất sản phẩm quá cao. Tuy vậy, qua đánh giá của một số nhà chuyên môn thì DN nội địa vẫn có khả năng đáp ứng được nếu cả hai bên cùng có thiện chí, trong đó DN trong nước cần nghiên cứu kỹ các nhóm sản phẩm đặc trưng của Samsung đồng thời đầu tư những dây chuyền, thiết bị sản xuất hiện đại hơn. Thực tế, chúng ta ít có các DN phụ trợ sản xuất các linh, phụ kiện với dây chuyền công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

 

Với Thái Nguyên, để phát triển công nghiệp phụ trợ nói chung và phụ trợ cho Samsung nói riêng, chúng ta có điều kiện khá thuận lợi vì từng là một trong những địa phương phát triển ngành công nghiệp phụ trợ từ rất sớm. Khu công nghiệp Gò Đầm (T.P Sông Công hiện nay) từng là trung tâm sản xuất cơ khí động lực của cả nước, hiện vẫn tồn tại một số nhà máy sản xuất các linh kiện máy móc, thiết bị phục vụ các hãng nổi tiếng như: Honda, Yamaha, Suzuki, SYM, Piaggio. Rải rác trên địa bàn tỉnh cũng có các đơn vị chuyên làm cơ khí chế tạo, sản xuất dụng cụ cầm tay. Thái Nguyên còn có khả năng về đào tạo nhân lực là kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề với hệ thống các trường đại học, cao đẳng công nghiệp, kỹ thuật và dạy nghề. Nguồn nguyên liệu để sản xuất linh, phụ kiện điện tử cũng khá dồi dào vì sở hữu các mỏ khoáng sản quý như titan, vàng, vonfram. Theo khảo sát của Sở Công Thương thì các DN của tỉnh ta có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư Hàn Quốc, nhưng thực tế Samsung và các DN địa phương chưa tìm đến nhau. Samsung hiện mới chỉ là thị trường cho các DN địa phương cung ứng vật liệu xây dựng để hoàn tất quá trình đầu tư ban đầu chứ chưa đặt vấn đề về sản xuất điện tử. Trao đổi với chúng tôi, ông Yoo Young-Bok, Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Samsung Thái Nguyên cho biết, phía lãnh đạo Samsung đã đi khảo sát một số DN chế tạo trong tỉnh nhưng chưa đặt vấn đề hợp tác với đơn vị nào. Samsung cũng vừa tổ chức triển lãm về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở Hà Nội nhằm tìm kiếm đối tác trong nước có thể cung cấp những linh kiện mà Samsung đang cần. Tiến tới, sẽ tổ chức các cuộc triển lãm tương tự tại các địa phương, trong đó có Thái Nguyên.

 

Như vậy là bắt đầu có những hướng mở thuận lợi hơn cho các DN địa phương. Được biết, trong định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh, ngoài việc duy trì công nghiệp phụ trợ cho các ngành truyền thống thì còn tập trung tiếp cận và phát triển công nghiệp phụ trợ cho khu vực công nghệ điện tử mà cụ thể ở đây là Tập đoàn Samsung. Theo gợi ý của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương thì nếu có thể, tới đây Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện để Thái Nguyên đẩy mạnh đầu tư cho ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó hướng tới việc chuyển đổi một số DN quy mô lớn sang làm đơn vị phụ trợ riêng cho Samsung trên cơ sở Samsung đặt điều kiện với chính quyền địa phương và với DN. Kỳ vọng của tỉnh là Samsung trở thành thị trường lớn để DN Thái Nguyên tiếp cận và hợp tác với mục đích tạo sự phát triển thực cho ngành công nghiệp địa phương.