Công khai và minh bạch với doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập

10:15, 31/07/2015

Trong xu thế hội nhập hiện nay, khi cơ hội hợp tác quốc tế càng tăng thì vấn đề công khai, minh bạch là yếu tố mà các đối tác nước ngoài quan tâm, lựa chọn để hợp tác, kinh doanh. Đây là lợi thế lớn của các doanh nghiệp (DN) thể hiện được tính minh bạch.

Về phía người tiêu dùng, theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Hướng tới Minh bạch thì có đến 60% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua sản phẩm, dịch vụ của DN minh bạch. Ở nước ta, câu chuyện công khai và minh bạch đang được tiếp nhận như một chủ trương lớn trong quy trình quản lý. Điều này được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp năm 2013, quá trình xây dựng luật pháp, thực thi luật pháp và xây dựng thể chế kinh tế trong thời gian gần đây.

 

Công khai và minh bạch là yếu tố rất quan trọng để tạo đồng thuận trong xã hội, đồng thuận giữa nhân dân và Nhà nước; không những tạo niềm tin của dân vào Nhà nước mà còn giám sát hoạt động của Nhà nước - người đại diện cho quyền lực của Nhân dân. Người dân có thông tin không chỉ để tham gia vào việc chung của Nhà nước. Công khai và minh bạch là giải pháp cốt lõi để tạo năng lượng từ thông tin trong quá trình phát triển nền kinh tế tri thức. Thông tin sẽ tạo nên giá trị gia tăng rất lớn cho phát triển. Hơn nữa, công khai và minh bạch là giải pháp quan trọng nhất để phòng, chống tham nhũng, hướng tới một xã hội thực sự dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Mới đây, Bộ Tài chính đã chính thức công bố danh sách 600 doanh nghiệp (DN) nợ thuế lớn nhất tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là 600 DN có số tiền thuế nợ lớn nhất trên địa bàn, đã quá 121 ngày và cơ quan thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ theo quy định. Đây là lần đầu ngành tài chính Quốc gia thực hiện biện pháp mạnh để xử lý nợ thuế.

 

Trước đó, cuối năm 2014, Cục Thuế tỉnh cũng đã công khai danh sách DN nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Nhiều ý kiến bình luận, song đó chắc chắn cũng là một trong những biện pháp tích cực để đôn đốc, nhắc nhở các DN về trách nhiệm xã hội của họ. Trước đây, để thu hồi nợ thuế, cơ quan thuế thường gửi thông báo đến DN rồi đôn đốc, thực hiện các bước cưỡng chế bằng cách phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, xóa mã số thuế... buộc DN phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN chây ỳ hoặc bỏ trốn, khiến số tiền nợ thuế tại Cục Thuế tỉnh không phải là nhỏ, trong đó có nhiều khoản nợ khó đòi. Theo báo cáo của cơ quan thuế, việc thu nợ thuế không đơn giản, bởi nhiều DN còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Cá biệt, có DN nợ thuế hoặc bị truy thu thuế với số tiền lớn không còn khả năng thanh toán.

 

Có thể thấy, việc công khai danh sách DN nợ thuế là biện pháp mới trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, mang lại hiệu ứng xã hội rất tích cực, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Sau khi công bố danh sách nợ thuế, nhiều DN đã bằng mọi cách, cân đối nguồn kinh phí để nộp thuế. Việc công khai, minh bạch trong công tác quản lý thuế cũng là một đòi hỏi từ thực tế. Đây cũng chỉ là một ví dụ trong rất nhiều vấn đề cần công khai, minh bạch trong thực tiễn cuộc sống hiện nay.

 

Năm 2015 đánh dấu mức độ hội nhập rất sâu của nước ta. Công khai, minh bạch đang là một tiêu chí quan trọng để Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Để thúc đẩy minh bạch, công khai rất cần sự tham gia của nhà nước và người dân. Chính phủ tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy minh bạch; còn người dân giám sát, nâng cao nhu cầu minh bạch. Minh bạch ở đây không phải là minh bạch về báo cáo, công văn, giấy tờ mà minh bạch ở tất cả các hoạt động. Minh bạch đi kèm với trách nhiệm giải trình trong các DN khiến cá nhân muốn ẩn mình, muốn trục lợi bản thân cũng khó thực hiện được.

 

Thông thường, một công ty lớn nước ngoài khi chọn đối tác vào chuỗi cung ứng hay hợp tác, nếu DN minh bạch chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn. Bởi vậy, các DN cần tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật; chủ động xây dựng hệ thống đảm bảo thông tin công khai, minh bạch của công ty mình và được quản trị một cách bài bản, chặt chẽ, nhất quán từ trên xuống dưới trong hoạt động; sẵn sàng cạnh tranh trên thương trường. Đồng thời, mỗi DN cần nêu cao trách nhiệm xã hội của mình, tự giác chấp hành pháp luật về thuế, trả nợ thuế. Bởi đó chính là nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội và quyền được đóng góp với ngân sách Nhà nước để chăm lo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước; và ngược lại, kinh tế - xã hội phát triển ổn định, chính quyền địa phương các cấp sẽ có điều kiện hỗ trợ thêm nguồn lực giúp DN làm ăn tốt hơn trong quá trình hội nhập và phát triển.

 

Theo khảo sát của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) mới đây, có một nhóm khoảng 10 nước trong nhóm dẫn đầu thế giới về minh bạch. Đó là Canada ở châu Mỹ, Singapore ở châu Á, Australia và New Zealand ở châu Đại dương và 6 nước châu Âu gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Thụy Sỹ và Hà Lan. Hiện nay, còn một nhóm 3 nước thuộc diện minh bạch thấp nhất là: Afghanistan, Somali và Bắc Triều Tiên. Thái Lan, Philippines, Indonesia, Việt Nam hạng khoảng từ 80 tới 120 trên tổng số khoảng 180 nước tham gia. Việt Nam chưa thể hiện sự tiến bộ nhiều theo thời gian; trong khoảng thời gian từ 2010-2014, Việt Nam vẫn ở mức quanh hạng từ 112 tới 123.