Cuối tuần qua, 2 chị em tôi rủ nhau đi siêu thị mua đồ chuẩn bị cho chuyến du lịch của gia đình. Mua bán xong, chúng tôi quyết định ăn trưa tại đó. Sau một vòng tham khảo, lựa chọn, chị tôi quyết định dừng chân tại một quán lẩu, với lối trang trí khá đơn giản nhưng ấn tượng.
Giá cả mà họ niêm yết cũng rất phải chăng. Vì chỉ có 2 người nên chúng tôi gọi nồi lẩu bé, tuy nhiên, khi các đĩa thức ăn được bê ra, tôi mới thấy nếu không gọi thêm thức ăn đi kèm thì nồi lẩu đó chỉ đủ cho 1 người ăn. Vì thế, chúng tôi đã gọi thêm một đĩa đậu trắng (thực chất chỉ có 1 bìa đậu), giá 20 nghìn đồng (ngoài thị trường bán 4 nghìn đồng); một đĩa rau 28 nghìn đồng (chỉ đáng 3-4 nghìn đồng) và một đĩa cá lục lăng 128 nghìn đồng (chỉ đáng 30 nghìn đồng)… Biết là không hề “phải chăng” như ban đầu đã nghĩ nhưng do không muốn bữa ăn kém vui nên chị em tôi không ai đề cập đến chuyện đắt rẻ.
Đến khi thanh toán, nhìn vào tờ phiếu tính tiền, chị tôi mới lên tiếng: “Họ chém được đấy”. Rồi, chị chỉ cho tôi sự bất hợp lý của tờ phiếu. Chị bảo, rõ ràng tất cả các món họ đều tính đúng số tiền ghi trên thực đơn, vậy mà lại cộng thêm 10% thuế VAT, trong khi khách hàng không hề đòi lấy hóa đơn đỏ. Tôi định gọi quản lý nhà hàng ra để thắc mắc, nhưng chị tôi ngăn lại, bảo: Mình không cãi lại được họ đâu. Lần sau không ăn ở đây nữa là được. Sau đó, chị tôi yêu cầu nhân viên phục vụ viết hóa đơn giá trị gia tăng cho chị. Tôi cứ tưởng chị ấy sẽ viết hóa đơn lấy tên công ty của chị để về quyết toán vào mục tiếp khách, nhưng thực ra chị lại viết tên của một người lạ hoắc, với một địa chỉ không có thực. Tôi có ý thắc mắc, chị bảo: Cứ miễn là họ xuất hóa đơn thì Nhà nước mới thu được 10% VAT của mình, còn nếu không, nhà hàng sẽ chiếm luôn của khách cả phần đó. Nghĩa là họ lãi của mình tới mấy lần.
Rời quán lẩu, chị em tôi rẽ vào một tiệm bánh ngọt đối diện. Tôi nhanh chóng bị hấp dẫn bởi các loại bánh ở đây vì sự đẹp đẽ, lạ mắt. Sau khi được nhà hàng cho nếm thử, chị em tôi quyết định mua mỗi loại mấy cái mang về cho lũ nhỏ. Nếu so với các loại bánh cùng loại, giá bánh ở đây đắt hơn khoảng 2 lần, nhưng bù lại, chất lượng thì miễn chê. Tuy nhiên, để không bị “hớ” như lúc trước, tôi cẩn thận hỏi người bán hàng xem giá đề trên bánh đã có VAT hay chưa, thì được cho biết là đã bao gồm. Nếu khách muốn viết hóa đơn thì cũng chỉ phải thanh toán đúng như số tiền ghi trên giá niêm yết. Và quả thật, trong tờ phiếu thanh toán, cửa hàng này ghi rất rõ 3 mục, gồm: Total (tổng cộng), 10% VAT và Grand - Total (khoản tiền mà bạn phải trả bao gồm cả phần thanh toán cho Nhà nước). Là giới kinh doanh, chị tôi bảo: Cách tính này mới là chuẩn và không hề có sự mập mờ, lừa dối khách hàng.
Mang câu chuyện về cách tính tiền của 2 cửa hàng bán đồ ăn trong cùng một siêu thị trao đổi với anh bạn làm trong ngành Thuế, tôi được giải thích: VAT là thuế giá trị gia tăng, mà người mua hàng phải nộp vào ngân sách Nhà nước thông qua người bán. Trên thực tế, các cửa hàng khi niêm yết giá bán đều đã tính VAT, còn nếu không thì phải ghi rõ giá chưa gồm VAT và giá đã có VAT. Nếu giá đã bao gồm VAT thì khi khách hàng muốn lấy hóa đơn đỏ, người bán không được tính thêm 10%. Cũng có trường hợp chủ hàng giải thích giá niêm yết chỉ áp dụng với trường hợp không lấy hóa đơn đỏ, còn nếu muốn lấy hóa đơn thì phải cộng thêm 10%. Trong trường hợp khách không yêu cầu mà người bán hàng vẫn cộng thêm 10% VAT thì người mua hàng nhất thiết phải lấy hóa đơn đỏ thì 10% thuế ấy mới thực sự được nộp vào ngân sách Nhà nước, còn nếu không sẽ rơi vào tay người bán. Anh bạn tôi cũng cho biết, nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành nghề kinh doanh ăn uống lâu nay đang bị thất thu khá lớn cho ngân sách bởi thói quen không lấy hóa đơn của đại bộ phận người dân.
Hy vọng, qua câu chuyện của tôi, để thiết thực đóng góp cho ngân sách Nhà nước, mỗi người sẽ tự nâng cao ý thức trong việc lấy hóa đơn đỏ khi mua hàng. Nếu làm được việc đó sẽ góp phần đáng đáng kể vào việc tăng thu cho ngân sách và như thế, Nhà nước sẽ có điều kiện tốt hơn để đầu tư xây dựng các công trình công cộng, bởi thuế chính là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước…