Đêm ở chợ đầu mối Túc Duyên

11:10, 22/07/2015

Chợ đêm Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) là chợ đầu mối rau, củ, quả lớn nhất của tỉnh. Khi mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ cũng là lúc chợ bắt đầu hoạt động nhộn nhịp.

0 giờ 30 phút, có mặt tại đoạn đường Bến Oánh, chúng tôi được chứng kiến cảnh từng đoàn xe ô tô, mô tô từ khắp các nơi đổ về mang theo các loại nông sản hàng để giao buôn cho tiểu thương. Hàng được chất cao ngất trên những chiếc xe máy thồ ì ạch, tiếng máy nổ ầm ĩ như xé tan không gian tĩnh mịch.

 

- “Hàng về! Hàng về!” là tiếng của các tiểu thương trong chợ gọi nhau khi xe vừa dừng bánh, tấp vào vị trí quen thuộc. Dưới ánh đèn cao áp, mỗi người đều sắm cho mình một chiếc đèn pin nhỏ nhanh chóng tiến lại kéo những bao, túi hàng cần lấy về phía mình. Thi thoảng lại có tiếng “Rau dưa hôm nay lên giá rồi đấy”, “Giá cần tây hôm nay thế nào?”, “Hành tây lên 3 giá nhé”... đã tạo nên âm thanh huyên náo trong đêm.

 

Hàng từ trên xe được chuyển xuống nhanh chóng, ai nấy đều muốn cân thật nhanh, mua xong sớm để còn mang về quầy phân loại. Dường như cả người bán và người mua hàng đều quen mặt nhau nên việc mua, bán diễn ra nhanh chóng. Anh Hoàng Tuấn Anh, ở huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết: Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 22 giờ là tôi lại chở hàng từ Mê Linh lên Thái Nguyên để giao. Vì là chợ đầu mối nên mỗi kg rau, củ chúng tôi chỉ lấy lãi từ 400-600 đồng.

 

Thời gian giao hàng ở chợ được chia làm 3 mốc khác nhau: từ 00 giờ 30 phút đến 2 giờ là lúc những thương lái từ trên mạn ngược như: Định Hóa, Phú Lương, Bắc Kạn, Cao Bằng... xuống lấy hàng. Từ 2-4 giờ là khoảng thời gian các tiểu thương ở chợ lấy giao buôn. Còn từ 4-5 giờ là lúc những người bán hàng nhỏ lẻ ở chợ “bóp”, chợ sinh viên và các chủ nhà hàng, quán ăn đến mua. Hàng hóa theo đó cũng được chia thành hàng đầu và hàng sau. Thường thì hàng đầu bao giờ cũng tươi ngon hơn nên sẽ bán được giá cao hơn so với hàng sau. Vì là chợ đầu mối nên hàng hóa trong chợ giá bán cũng bán rẻ hơn những chợ khác.

 

Theo nhiều tiểu thương có thâm niên buôn bán ở chợ: Nếu như trước kia, hàng hóa trong chợ Túc Duyên chủ yếu là rau, củ, quả của địa phương sản xuất ra để cung ứng cho người dân trên địa bàn thì nay, hàng hóa được lấy từ rất nhiều nơi khác như: Long Biên, Mê Linh (Hà Nội); Bắc Ninh; Bắc Giang; Đà Lạt; Lạng Sơn... đã góp phần làm phong phú thêm nguồn hàng. Đặc biệt, T.P Thái Nguyên là nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp của vùng Trung du miền núi phía Bắc, lượng sinh viên, học sinh về trọ học đông cùng với việc Tập đoàn Samsung và các nhà máy phụ trợ về đang mở rộng quy mô đã kéo theo số lượng công nhân lớn, bởi vậy thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể tăng cao. Ngoài các loại mặt hàng rau, củ, quả là chính, chợ còn bán thêm nhiều hàng hóa khác: thịt, cá, quần áo, hàng khô, hàng đông lạnh...

 

5 giờ sáng, cả khu chợ đông vui, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Những chiếc ô tô giao hàng bắt đầu lăn bánh về xuôi, “nhường” lại không gian cho các bà nội trợ tranh thủ đi chợ sáng để còn kịp về đi làm. Một đêm dài đã trôi qua, giờ các tiểu thương lại ngồi bán lẻ cho đến trưa, thi thoảng lại có người ngáp dài, đôi mắt như không chống lên nổi vì những đêm thức trắng. Ai nấy đều mong sao hết hàng sớm còn về kiếm giấc ngủ ban ngày, để đêm đến lại tiếp tục công việc bán mua thường nhật.

 

Chợ đêm Túc Duyên đông vui, nhộn nhịp là thế nhưng ít ai biết được rằng, để làm ra được vài trăm nghìn đồng từ là bao sự vất vả, khổ cực. Đang là thời gian giữa mùa hè, cái nóng oi bức vẫn bao trùm màn đêm không có lấy nổi một luồng gió mát, trên khuôn mặt người bán, kẻ mua ai nấy đều hiện lên sự mệt mỏi vì một đêm phải thức trắng để mưu sinh. Bà Nguyễn Thị Thủy, ở tổ 3, phường Túc Duyên tay vừa nẹp những mớ thì là vừa chia sẻ về công việc thường nhật: Tôi đi chợ đêm được chục năm nay rồi. Thường thì cứ khoảng 1 giờ là tôi có mặt ở chợ để lấy hàng bán cho đến 11 giờ trưa. Hôm nào đông khách mua thì được lãi từ 200-300 nghìn đồng, có hôm ế ẩm còn không thu lại được vốn. Còn chị Bùi Thị Thương, xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) cho biết: Đi chợ đêm vất vả lắm chị ạ. Ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa đường trong chợ lầy lội, bẩn thỉu, người đi chợ ít chỉ mong bán hòa vốn rồi tranh thủ về trồng thêm luống rau, chăn thêm con lợn, con gà để tăng thêm thu nhập. Nhiều lúc còn không có cả thời gian để dạy con học bài...

 

Thế mới thấy, cuộc sống là bao bộn bề khó khăn. Nghề nào cũng vất vả nhưng có chứng kiến cảnh những con người chân chất, lam lũ ở chợ đêm Túc Duyên, tôi càng thấm thía được rằng, để kiếm ra đồng tiền chân chính, họ đã phải đánh đổi giấc ngủ của mình để lo toan cho cuộc sống ấm no của gia đình.