Đầu tháng 5-2015, đến xóm Đức Cường, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên), chúng tôi thấy bà con nơi đây ai cũng hân hoan khi đoạn đường qua xóm mới được thi công đưa vào sử dụng. Đoạn đường có chiều dài 1km, trước đây chỉ rộng khoảng 2m, nay được mở rộng thành 5m, có những đoạn cua, khuất tầm nhìn được mở rộng tới 7 mét.
Đầu tháng 5-2015, đến xóm Đức Cường, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên), chúng tôi thấy bà con nơi đây ai cũng hân hoan khi đoạn đường qua xóm mới được thi công đưa vào sử dụng. Đoạn đường có chiều dài 1km, trước đây chỉ rộng khoảng 2m, nay được mở rộng thành 5m, có những đoạn cua, khuất tầm nhìn được mở rộng tới 7 mét. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng xóm Đức Cường cho biết: Là xóm thuần nông, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, nếu huy động nhân dân đóng góp toàn bộ thì khó có thể làm được công trình này. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Lâm Khánh Bình đóng góp toàn bộ kinh phí đối ứng là 380 triệu đồng, bà con chỉ phải hiến đất và tài sản trên đất nên việc làm đường rất thuận lợi. Chị Nguyễn Thị Lan, người trực tiếp hưởng lợi từ đoạn đường chia sẻ: Với số tiền đối ứng quá lớn như vậy, nếu không có sự giúp đỡ từ phía doanh nghiệp thì không biết bao giờ chúng tôi mới có đoạn đường to đẹp như thế này để đi.
Ngoài Công ty cổ phần Lâm Khánh Bình, ở xã Thịnh Đức còn có 2 doanh nghiệp khác đã đóng góp kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã đó là: Công ty Bắc Đại Tây Dương, góp tiền kéo đường điện thắp sáng dài trên 400m vào xóm Bến Đò, với kinh phí trên 100 triệu đồng và Chi nhánh Công ty TNHH Thái Hải đóng góp trên 500 triệu đồng để sửa chữa và làm mới tuyến đường dài gần 900m đi qua xóm Mỹ Hào vào Khu du lịch sinh thái Thái Hải. Ông Đặng Quang Dần, Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức chia sẻ: Nếu không có sự ủng hộ, đóng góp của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn thì các công trình lớn nói trên rất khó để hoàn thành.
Có lần đến xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), chúng tôi đi trên đoạn đường bê tông phẳng phiu, rộng rãi. Đoạn đường có chiều dài 1,6km, chạy dọc trung tâm xã. Bà con nơi đây thường gọi con đường này là đường ông Ban. Hỏi ra mới biết, khi làm đoạn đường, toàn bộ kinh phí đối ứng trên 700 triệu đồng đều do gia đình ông Ban bỏ ra. Ông Ngô Văn Ban là người thành lập doanh nghiệp và phát triển trang trại chăn nuôi ở địa phương. Đoạn đường được ông bỏ tiền ra đóng vốn đối ứng trước kia nhỏ, hẹp, nền đường mấp mô, nay được đổ bê tông, mở rộng 5m. Khi chúng tôi hỏi: Doanh nghiệp chủ yếu chỉ mở trang trại chăn nuôi, tại sao ông lại bỏ ra số tiền lớn như vậy để đóng vốn đối ứng thay dân? Ông Ban khiêm tốn: “Trước là để cho mình đi, sau là để cho các thế hệ con cháu và làng xóm láng giềng hưởng lợi chứ đi đâu mà so bì hơn thiệt”. Chúng tôi được ông Phạm Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tân Cương thông tin: Ngoài đóng kinh phí đối ứng làm đường, nhiều nguồn quỹ khác khi chúng tôi vận động ông Ban đều nhận đóng phần hơn.
Theo thông tin từ Phòng Tài chính T.P Thái Nguyên, trong 4 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Thành phố đã nhận được sự đóng góp khá tích cực từ phía doanh nghiệp. Riêng số tiền đóng vốn đối ứng là trên 3 tỷ đồng (chủ yếu sử dụng làm đường giao thông nông thôn). Ngoài đóng góp kinh phí đối ứng, các doanh nghiệp còn hỗ trợ nhân công, vật liệu xây dựng...
Đề cập đến việc chung tay xây dựng nông thôn mới, đồng chí Vũ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới rất cần đến nhiều nguồn lực, trong khi nhân dân các xã còn gặp nhiều khó khăn nên việc đóng góp còn hạn chế, thì việc huy động kinh phí từ các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa. Thành phố luôn mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ để các xã thực hiện nhóm tiêu chí xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần giúp Thành phố sớm “về đích” nông thôn mới.