Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn huyện Đồng Hỷ dần đổi thay, đường làng ngõ xóm được mở rộng, người dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp… Những đổi thay ấy chính là từ sự đồng thuận của chính quyền và người dân nơi đây.
Hòa Bình là 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện miền núi Đồng Hỷ xây dựng thành công NTM. Từ một xã thuần nông, bắt đầu xây dựng NTM với nhiều khó khăn, xã Hòa Bình hôm nay đã đổi thay từng ngày. Trụ sở UBND xã được xây dựng khang trang; trường học, trạm y tế đều đã đạt chuẩn;. Bí thư Đảng ủy xã Lê Ngọc Tân cho biết: “Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, với sự đồng thuận của chính quyền và người dân, trong 5 năm qua, chúng tôi đã thành công trong việc đưa vào sản xuất các loại cây trồng phù hợp. Cụ thể, chuyển đổi cơ cấu giống lúa từ lúa thường sang lúa chất lượng cao, lúa lai; thay thế những diện tích trồng màu, lúa hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang trồng chè cành. Bên cạnh đó, xã Hòa Bình cũng khuyến khích người dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; tạo điều kiện tốt nhất để nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch lúa của xã đạt gần 97% diện tích sản xuất nông nghiệp. Trong 5 năm, xã đã huy động được trên 64 tỷ đồng để đầu tư xây dựng NTM. Đến nay, Hòa Bình đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM. Đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 28,6 triệu đồng/người/năm thay cho mức 14 triệu đồng/người/năm của năm 2010.
Không chỉ riêng xã Hòa Bình, cả 15 xã trên địa bàn huyện đều có những bước tiến trong xây dựng NTM. Ông Vũ Văn Mác, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ cho biết: Xác định công tác xây dựng cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng NTM, trong 5 năm qua, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực và lồng ghép các Chương trình, dự án, tăng cường cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Toàn huyện đã xây dựng, nâng cấp trên 20 km đường trục xã, liên xã. Xây mới được trên 200 km đường bê tông nông thôn. Nếu như năm 2010, chưa có xã nào đạt tiêu chí giao thông thì đến nay huyện đã có có 5/15 xã đạt tiêu chí này. Huyện cũng xây mới, cải tạo nâng cấp trên 20 công trình trường học, nâng số xã đạt tiêu chí trường học lên 12/15 xã, tăng 7 xã so với năm 2010. Bên cạnh đó, Đồng Hỷ xây dựng mới 6 nhà văn hóa trung tâm xã; cải tạo, nâng cấp 49 nhà văn hóa xóm, từng bước đáp ứng nhu cầu hội họp và sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân trong vùng.
Bên cạnh chú trọng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, huyện còn tập trung triển khai nhiều biện pháp khuyến khích sản xuất để đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Trong đó, huyện Đồng Hỷ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Mỗi năm, huyện tổ chức gần 200 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, chính sách hỗ trợ người dân vay vốn mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất mới được xây dựng, đem lại thu nhập cao cho người dân như: mô hình sản xuất chè theo quy trình VietGap; mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại, gà an toàn sinh học; mô hình trồng khoai tây giống Simora vụ đông; trồng hoa lyli trong nhà lưới… Qua đó, mức sống của dân cư khu vực nông thôn trên địa bàn ngày càng được cải thiện. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, các xã trên địa bàn huyện cũng hết sức chú trọng phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường; củng cố hệ thống tổ chức, bộ máy chính trị, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Chất lượng giáo dục, công tác y tế - khám chữa bệnh, đời sống văn hóa - tinh thần, chất lượng môi trường sống của người dân được duy trì, củng cố và từng bước nâng lên.
Với những nỗ lực kể trên, 5 năm qua, huyện Đồng Hỷ đã huy động được trên 2 nghìn tỷ đồng để phục vụ xây dựng NTM, trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước 420 tỷ đồng; nguồn tín dụng 1,6 nghìn tỷ đồng; các nguồn huy động doanh nghiệp và đóng góp của bà con trên 200 tỷ đồng. Đến nay đã có 9/15 xã đạt tiêu chí về thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 8,32%. Toàn huyện đã có 3 xã hoàn thành 19 tiêu chí NTM; 6 xã đạt từ 12-17 tiêu chí; 5 xã đạt 8 tiêu chí, 1 xã đạt 6 tiêu chí.
Đồng chí Nguyễn Văn Thủy, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: Xác định xây dựng NTM là một nhiệm vụ quan trọng và lâu dài nên cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Hỷ cũng như các xã trên địa bàn luôn quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đến nay các xã đã xác định rõ cách làm, tạo được lộ trình phù hợp với điều kiện của từng địa phương, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã thực sự trở thành cuộc vận động lớn, được các tầng lớp nhân dân trong huyện đồng thuận tham gia. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, chúng tôi phấn đấu có 9 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại phải đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng tôi xác định một số giải pháp sau: Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vì đây là yếu tố hết sức quan trọng và quyết định cho thành công của NTM; tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng NTM; các xã triển khai đồng bộ việc thực hiện các tiêu chí còn lại với phương châm tiêu chí nào thuận lợi và dễ thì làm trước, tiêu chí nào khó thì triển khai thật cụ thể từng bước rồi mới thực hiện; tiếp tục tăng cường triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân…