Giảm tổn thất sau thu hoạch đối với cây lương thực

10:18, 22/07/2015

Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh gieo cấy từ 69 đến 72 nghìn héc-ta lúa, trồng khoảng 19-20 nghìn héc-ta ngô; sản lượng cây lương thực có hạt đạt từ 420 đến 450 nghìn tấn (chưa kể sản lượng khoai lang, sắn…). Với lượng lương thực khá lớn như vậy nhưng những năm trước, do khâu giảm tổn thất sau thu hoạch chưa được quan tâm nên giá trị thu được từ các loại nông sản này của người dân chưa cao. Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23-9-2013 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, những hạn chế này đã phần nào được khắc phục.

Để giảm tổn thất sau thu hoạch cho nhóm cây lương thực, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã vận động người dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch. Đặc biệt là chăm sóc, bảo vệ thực vật kết hợp với việc ứng dụng các kỹ thuật bảo quản tiên tiến nhằm giảm lượng thóc giống, giảm sâu bệnh gây hại, trong đó một số biện pháp được áp dụng trong sản xuất lúa như “3 giảm, 3 tăng”, thâm canh lúa cải tiến SRI (mỗi năm toàn tỉnh có từ 10 đến 20 nghìn héc-ta lúa áp dụng phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI). Ngoài ra, việc sử dụng máy gặt đập liên hợp có tính năng kỹ thuật cao, mức độ tổn thất khi thu hoạch giảm; đầu tư phát triển các loại máy sấy phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất… cũng được chú trọng. Tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả, ổn định sản xuất, đời sống, thu nhập của bà con nông dân và chủ động ứng phó với diễn biến của thị trường. Với mức hỗ trợ từ 30 đến 50% giá mua 1 chiếc máy, từ năm 2015 đến nay, tỉnh ta đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mua được gần 90 chiếc máy phục vụ sản xuất nông nghiệp (trong đó có 15 máy gặt đập liên hợp, 20 máy chế biến thức ăn chăn nuôi, 16 máy phun thuốc trừ sâu…).

 

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT đánh giá: Việc sử dụng các loại máy móc, nhất là máy gặt đập liên hợp giúp người nông dân giảm áp lực lao động trong mùa thu hoạch; rút ngắn thời gian thu hoạch lúa, nâng cao chất lượng nông sản từ đó giá bán sẽ cao hơn; giảm tỷ lệ thất thoát; năng suất lao động trong thu hoạch lúa tăng lên 70 lần so với gặt thủ công. Còn chị Phạm Thị Thuý, xóm Lai Thành, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) cho hay: Trước đây, do chưa có các loại máy móc hiện đại, chúng tôi chủ yếu chế biến thức ăn cho trâu, bò, lợn, gà bằng phương pháp thủ công (các loại rau, cỏ phải băm, chặt) nên rất mất thời gian. Từ ngày mua được máy chế biên thức ăn, các loại rau được nghiền nhỏ chỉ trong thời gian ngắn, khi đem nấu rất nhanh chín giúp tiêu tốn ít chất đốt. Việc chế biến cỏ cho nhỏ cũng được thực hiện nhanh, gọn…

 

Cũng trong thời gian qua, một trong những giải pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm là việc chuyển giao và có cơ chế hỗ trợ giá giống để khuyến khích người dân lựa chọn các loại giống lúa, ngô có năng suất, chất lượng và tỷ lệ rơi rụng thấp trong quá trình thu hoạch đưa vào sản xuất. Theo đó, nhiều mô hình giống lúa mới đã được triển khai tại các địa phương. Đó là các mô hình gieo cấy giống lúa thuần chất lượng cao Thiên ưu 8 của Công ty Giống cây trồng Trung ương tại huyện Phổ Yên, Phú Bình với quy mô 18ha, năng suất đạt 70 tạ/ha; gieo cấy giống lúa thuần Hưng Dân của Công ty cổ phần Nông nghiệp nhiệt đới tại Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai, Phú Bình với quy mô 8ha, năng suất đạt 75 tạ/ha; gieo cấy giống lúa lai BT - E1 tại một số vùng ruộng trũng trên địa bàn tỉnh thay thế giống lúa Khang dân 18 và U17 đã thoái hóa, xuống cấp (trong đó, năm 2014 gieo cấy được gần 2.600ha, vụ xuân năm nay gieo cấy được 600ha). Đối với cây ngô, thông qua triển khai có hiệu quả các mô hình trình diễn, tỉnh ta đã khuyến khích được người dân đưa các giống ngô biến đổi gen như NK4300, NK66, DK 6818S và 6919S… vào sản xuất, từ đó đã giúp cho năng suất, chất lượng cũng như giá trị thu được từ cây ngô không ngừng được tăng lên.

 

Có thể thấy, từ việc quan tâm giảm tổn thất sau thu hoạch, diện tích sản xuất lúa lai, ngô lai thương phẩm, lúa thuần chất lượng cao của Thái Nguyên tăng lên theo từng năm (hiện nay, diện tích lúa lai chiếm trên 20%, tăng gấp đôi năm năm trước; diện tích ngô lai chiếm 98%); sản xuất lương thực trên địa bàn tỉnh ngày càng ổn định, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn…

 

 

Ngày 23-9-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Trước mắt, các cơ chế, chính sách này áp dụng đối với cây lương thực (lúa, ngô), cà phê, rau quả và thủy sản. Với mục tiêu giảm mức tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo từ 11-13% xuống còn 5-6% vào năm 2020, với ngô từ 13-15% xuống còn 8-9%..., Chính phủ chỉ đạo tập trung vào các khâu có mức tổn thất lớn, tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa, kết hợp với việc ứng dụng các kỹ thuật bảo quản tiên tiến như thu hoạch lúa bằng máy đạt 50% vào năm 2020, xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kho chứa thóc gạo với tổng tích lượng 4 triệu tấn, có công nghệ tiên tiến...