Trong những năm gần đây, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng Công ty TNHH Một thành viên Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên vẫn luôn được biết đến là một trong những đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước.
Theo đại diện lãnh đạo đơn vị thì nộp thuế không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi, góp phần tạo dựng thương hiệu và uy tín của Công ty trên thương trường.
Với ngành nghề chính là nấu luyện kim loại mầu, sản phẩm chính của Công ty TNHH Một thành viên Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên lâu nay là thiếc tinh luyện 99,75%Sn và 99,95%Sn. Những năm gần đây, trước sự bất ổn của nền kinh tế đã khiến tình hình tiêu thụ kim loại của thế giới và trong nước giảm mạnh. Cùng với đó, chính sách quản lý tài nguyên khoáng sản của Nhà nước ngày càng siết chặt, khiến nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải thu hẹp, thậm chí dừng sản xuất; giá thiếc trên thị trường thế giới biến động thất thường và có xu hướng giảm, trong khi đó, Công ty lại không có mỏ, nguồn nguyên liệu hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài... Do vậy, tính chủ động trong sản xuất - kinh doanh của Công ty bị hạn chế.
Ông Lê Văn Kiên, Giám đốc Công ty chia sẻ: Trước nhiều khó khăn mà đơn vị phải đối mặt, được sự chấp thuận của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (đơn vị chủ quản), từ năm 2011, chúng tôi đã tăng cường liên kết hợp tác, tìm kiếm các đối tác nước ngoài, qua đó đẩy mạnh thị trường nhập khẩu nguyên liệu thiếc tại Lào. Nhờ đó, khó khăn lớn nhất của Công ty cơ bản đã được giải quyết. Hiện, sản phẩm thiếc tinh luyện của Công ty đang được các đối tác nước ngoài tại Việt Nam (chủ yếu là Nhật Bản) tin dùng. Ngoài ra, thông qua các Công ty trung gian, sản phẩm của chúng tôi đã xuất sang thị trường EU, Hàn Quốc và nhiều nước khác.
Hiện nay, thiếc được sử dụng như một vật liệu thay thế cho các kim loại độc hại trong nhiều ứng dụng, trong đó phổ biến được dùng để mạ trên bề mặt các kim loại dễ bị oxy hóa như sắt để làm hộp đựng thực phẩm, nước giải khát, tăng tính thẩm mỹ và không độc hại… Ngoài ra, thiếc còn được sử dụng trong các ngành công nghệ kỹ thuật cao như công nghiệp điện tử - viễn thông, chế tạo máy, sản xuất hóa chất... Hiện, thế giới đã sản xuất được thiếc có hàm lượng 99,99%Sn thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu loại sản phẩm này. Trong khi đó, giá trị giữa mác thiếc 99,75%Sn và 99,95%Sn mà Việt Nam có thể sản xuất so với mác thiếc 99,99%Sn có sự chênh lệch khá lớn. Thực tế này đã và đang làm lãng phí lớn nguồn tài nguyên của đất nước. Nhận thức được vấn đề đó, năm 2014, Công ty TNHH Một thành viên Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công mác thiếc tinh luyện 99,99%Sn từ thiếc 99,75%Sn. Đề tài đã được Bộ Công Thương xếp loại xuất sắc, đang được đề nghị với Bộ Khoa học - Công nghệ chuyển thành dự án sản xuất công nghiệp. Công ty tin tưởng, khi thiếc tinh luyện 99,99%Sn được đưa vào sản xuất sẽ giúp Công ty gia tăng khách hàng, nâng cao hiệu quả trong kinh doanh, từ đó tăng thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, từ thực tế khó khăn mà Công ty đã và đang phải đối mặt, Ban lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên đang nghiên cứu để cho ra đời các sản phẩm khác mà Công ty đã có kinh nghiệm trong nấu luyện.
Được biết, năm 2014, tổng sản lượng thiếc tinh luyện mà Công ty TNHH Một thành viên Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên xuất ra thị trường đạt trên 500 tấn, với doanh thu hơn 450 tỷ đồng. Công ty đã thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước được 31 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2015, do giá thiếc trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm nên mặc dù sản lượng của Công ty đạt tới 350 tấn, nhưng doanh thu chỉ đạt trên 200 tỷ đồng. Thực tế này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của 85 cán bộ, người lao động trong Công ty, từ mức 8,5 triệu đồng/người/tháng (2014), xuống còn 6,5 triệu đồng/người/tháng (6 tháng đầu năm 2015). Khó khăn là thế nhưng Công ty vẫn luôn nghiêm túc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế và đảm bảo các quyền lợi liên quan của người lao động, như lương, các loại bảo hiểm, chế độ phúc lợi khác.
Ông Lê Văn Kiên cho rằng, nộp thuế không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của doanh nghiệp, qua đó góp phần xây dựng và khẳng định uy tín, thương hiệu của mình trên thương trường. Một đơn vị có được đánh giá là làm ăn nghiêm túc hay không thì việc đóng góp đối với ngân sách được xem là một yếu tố quan trọng. Cũng chính từ quan điểm đó nên nhiều năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đơn vị luôn nghiêm túc thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước. Nhiều năm liền được ngành Thuế khen thưởng, riêng 2 năm trở lại đây (2013 và 2014) được Bộ Tài Chính tặng Bằng khen.