Hướng đến chuỗi liên kết hiệu quả

14:55, 13/07/2015

Thời gian gần đây, một trong những chủ đề nóng được các tầng lớp xã hội, nhất là bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm là Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2015-2020. Nội dung chính được Chương trình hướng đến là tổ chức lại sản xuất sao cho hiệu quả hơn, trên cơ sở kết nối giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.  

Nhìn rõ cái yếu nội ngành

Như chúng ta đều biết, nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún và truyền thống đã ngự trị từ rất lâu ở mỗi địa phương trong tỉnh. Đó là một trong những hệ quả đi ra từ chất lượng công tác quy hoạch và ứng dụng khoa học - công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì từ khâu sản xuất, chế biến đến cạnh tranh và tiêu thụ hàng nông sản của chúng ta đều thấp và kém về chất lượng. Tính liên kết trong tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn rất thiếu và yếu.

 

Các cơ quan chuyên môn đã phân tích những cái yếu của ngành Nông nghiệp tỉnh trong từng lĩnh vực cụ thể như sau: Về trồng trọt, đối với cây lúa, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao mới chỉ chiếm 30% tổng diện tích gieo cấy, nên năng suất lúa trung bình cả năm chỉ đạt trên 50 tạ/ha. Đối với cây rau, màu cũng tương tự, diện tích, năng suất, chất lượng còn hạn chế, chủ yếu trồng các loại cây truyền thống, giá trị kinh tế thấp, chưa nhân rộng được mô hình trồng theo tiêu chuẩn "sạch" và an toàn. Chè là sản phẩm thế mạnh của ngành Nông nghiệp địa phương, nhưng sản xuất, sơ chế chủ yếu theo phương pháp thủ công, quy mô hộ gia đình, chưa hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung liên kết với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, tỷ lệ chế biến công nghiệp và xuất khẩu thấp, chủ yếu là nguyên liệu thô. Cũng giống như trồng trọt, quy mô chăn nuôi đang phổ biến ở dạng nông hộ, nhỏ lẻ, phân tán theo phương thức chăn nuôi tự cung, tự cấp. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp mới chỉ đạt 20% trong toàn ngành... Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ tăng trưởng ngành Nông nghiệp hàng năm của tỉnh chỉ chiếm một phần rất ít trong tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh chỉ chiếm trên 1% trong tổng tăng trưởng 26,6% cả tỉnh. Điều đó cũng chứng minh rằng, lâu nay đời sống của người nông dân trên địa bàn tỉnh còn rất thấp.

 

Tổ chức lại sản xuất

Những cái yếu của ngành Nông nghiệp nói chung đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của một đất nước vốn có truyền thống nông nghiệp lâu đời. Bởi vậy, đây chính là lý do khiến Chính phủ phải quyết liệt chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đối với tỉnh ta, chỉ đạo trên đã được cụ thể hóa bằng Đề án tái cơ cấu với thời gian thực hiện trong vòng 5 năm từ 2015 đến 2020. Nội dung chính của tái cơ cấu là tổ chức lại sản xuất sao cho hiệu quả hơn trên cơ sở kết nối giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đối tượng chủ lực tham gia là người nông dân và doanh nghiệp, trong đó hưởng lợi nhiều nhất không ai khác chính là các hộ sản xuất nông nghiệp. Người nông dân trong quá trình tái cơ cấu sẽ trở thành đối tượng chủ thể và bình đẳng trong các mối liên kết để phát triển. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thì kết quả của tái cơ cấu chính là làm sao cho hoạt động của Ngành trở nên hiệu quả hơn mà muốn vậy rất cần sự hợp tác, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Thực tế thì từ trước đến nay, mối liên kết này rất lỏng lẻo, khiến hoạt động sản xuất của người nông dân trở nên phiến diện, thiếu sức mạnh. Để minh chứng cho điều này, bà Đỗ Thị Đức Lý, Tổng Giám đốc Công ty CP chè Tân Cương - Hoàng Bình giãi bày: Người làm chè lâu nay không chung thủy, khi nào giá chè đắt đỏ thì tìm mọi cách tuồn ra ngoài bán cho tiểu thương với giá cao, còn khi giá chè rẻ thì lại đổ xô đến các Nhà máy yêu cầu thu mua đúng hợp đồng đã ký. Chính vì điều này mà không ít doanh nghiệp làm chè điêu đứng, mất lòng tin với người nông dân. Và khi doanh nghiệp mất lòng tin, người nông dân chỉ biết đến thị trường tự cung tự cấp, bấp bênh, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

 

Vậy, muốn có liên kết, hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp thì sự can thiệp, giúp đỡ của Nhà nước chính là chiếc cầu nối. Sự giúp đỡ ở đây được thể hiện bằng các cơ chế, chính sách khuyến khích, kích thích tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh (đơn vị chuyên nuôi gà đồi tại huyện Phú Bình), ông Nguyễn Văn Thịnh cho hay, hợp tác xã hiện có trên 30 nghìn con gà, nhưng chủ yếu vẫn xuất chuồng theo kiểu thương lái đến tận nhà mua hoặc mang ra chợ bán. Từ con giống, thức ăn chăn nuôi đến phòng dịch, chăm sóc sức khỏe đàn gà đều một tay người nông dân đảm nhiệm. Nhiều khi gà chết cả đàn mà không biết lý do, không có cách cứu chữa kịp thời.

 

Các chuyên gia cho rằng, nếu có sự liên kết, hợp tác của doanh nghiệp thì chắc chắn vấn đề của hợp tác xã nói trên sẽ được giải quyết thấu đáo. Doanh nghiệp sẽ hợp tác bằng cách đứng ra cung cấp con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và đảm bảo phòng dịch cho vật nuôi từ nhỏ đến lúc có thể xuất bán. Sau đó, doanh nghiệp tiến hành thu mua toàn bộ vật nuôi cho người nông dân, rồi tổ chức giết mổ tập trung và mang đi tiêu thụ. Nếu có rủi ro, doanh nghiệp sẽ cùng đứng ra gánh chịu với người chăn nuôi. Như vậy, bà con chỉ phải lo mỗi việc chăm sóc vật nuôi và cùng thu lợi với doanh nghiệp mà không phải bận tâm nhiều đến vấn đề đầu ra.

 

Thể hiện ngay từ chính sách

Chính sách là cốt lõi của mọi vấn đề, trong đó không ngoại trừ vấn đề tái cơ cấu để phát triển bền vững ngành Nông nghiệp. Chính sách hay, hợp lòng dân và mang lại hiệu quả là đích mà các nhà quản lý hướng tới. Với ngành Nông nghiệp của tỉnh, chính sách tái cơ cấu phải giải quyết được nội dung quan trọng đó là phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tức là phải hiệu quả hơn so với trước. Nếu không hiệu quả thì nhiều khả năng người tiêu dùng sẽ quay lưng với chính các sản phẩm nội địa. Thực tế thì nhiều sản phẩm nông nghiệp của chúng ta đã thua ngay trên sân nhà vì không thể cạnh tranh về chất lượng, giá cả với hàng hóa nhập từ bên ngoài.

 

Theo Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thì các chính sách được đưa ra phải tập trung hỗ trợ về đất đai sản xuất, khuyến khích ứng dụng khoa học, công nghệ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, vốn, tín dụng, thu hút đầu tư... Đối với chính sách hỗ trợ sản xuất, hướng hỗ trợ tập trung vào phát triển một số sản phẩm mũi nhọn, thế mạnh của địa phương theo quy mô vùng hàng hóa; hỗ trợ theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, an toàn thực phẩm. Để cụ thể hóa các chính sách, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã chủ động đề xuất xây dựng các dự án, trong đó tập trung vào các dự án phát triển sản xuất hàng hóa theo liên kết chuỗi. Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay, trước mắt các chính sách sẽ ưu tiên vào khâu thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Khi có các chính sách hợp lý thì việc triển khai các dự án nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Cũng theo ông Minh, các dự án đang đề xuất triển khai gồm: Dự án xây dựng vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao; Dự án xây dựng vùng chè nguyên liệu chất lượng cao; Dự án vùng sản xuất rau an toàn; Dự án xây dựng liên kết chuỗi theo cánh đồng lớn; Dự án chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Dự án nâng cao chất lượng giống vật nuôi; Dự án phát triển vùng nuôi thủy sản hàng hóa tập trung...