Khe Cạn ngày tôi đến

10:57, 16/07/2015

Cách đây hơn một tháng, chúng tôi có dịp về bản người Mông Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Lúc đó, bà con trong bản vừa hoàn thành thu hoạch lúa xuân, gốc rạ vẫn còn ngổn ngang trên mặt ruộng. Vậy mà nay, khi có dịp trở lại, mạ non đã ken đầy mặt ruộng.

Anh Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: Vận động bà con người Mông cấy lúa nước đã khó, vận động bà con cấy các giống lúa lai năng suất cao, chất lượng tốt càng khó hơn. Vậy mà ở Khe Cạn, bà con không chỉ cấy lúa nước mà còn đưa giống lúa lai như TH3-3, An Dân, VL 20 vào gieo cấy ở cả vụ xuân và vụ mùa.

 

Sản xuất lúa nước đã giúp cho người dân Khe Cạn không còn lo thiếu đói trong những ngày giáp hạt. Chị Lý Thị Nhị, một người dân trong bản nói: 5 năm nay, nhờ có cây lúa mà đời sống của người Mông Khe Cạn đã bớt khổ nhiều rồi. Giờ, bà con trong bản rất tích cực khai phá, cải tạo ruộng đất để cấy lúa. Hiện nay, bản Khe Cạn có trên 30 hộ dân, nhà ít cũng có khoảng 1, 2 sào nhà nhiều có đến trên 10 sào ruộng (cả xóm có khoảng 5ha ruộng). Bình quân năng suất lúa của bà con đạt từ 38tạ/ha. Số lương thực thu được đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các hộ dân. Anh Hoàng Văn Thính, Trưởng bản chia sẻ: Có thóc rồi, các hộ dân trong bản không phải ăn mèn mén nữa.

 

Không chỉ mạnh dạn gieo cấy lúa nước, người Mông Khe Cạn còn thay đổi phương thức thâm canh ngô - cây trồng truyền thống của bà con. Trước đây, bà con trồng ngô bằng giống địa phương năng suất thấp, thì nay, các giống ngô lai như NK 4300, CP 888, CP 999… đã được đưa vào sản xuất. Năng suất của 20ha ngô cũng đạt khá cao, khoảng 41 đến 42tạ/ha, tương đương 1,5 đến 1,6tạ/sào, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước. Hộ trồng ít, từ 5-6 sào ngô/vụ, một năm 2 vụ cũng thu từ 1,5-1,8 tấn ngô/năm; hộ trồng nhiều có thể thu từ 3-4 tấn ngô/năm. Từ số ngô thu được, bà con chủ yếu để phục vụ chăn nuôi lợn, gà. Hiện tại, gia đình nào trong bản cũng nuôi từ 1 đến 5 con lợn, có gia đình như hộ anh Hoàng Văn Thính, trưởng xóm, mạnh dạn nuôi hơn 10 con lợn/lứa. Thu nhập từ chăn nuôi lợn mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng/năm. Ngoài ra, người dân trong bản cũng đã mạnh dạn đầu tư trồng chè, nhiều hộ đã có tới 5.000m2 như gia đình anh Hoàng Văn Bình. Thu nhập từ cây chè cũng góp phần giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

 

Những gì đang hiện hữu trong đời sống của người dân Mông nơi đây cho chúng ta cảm nhận về một cuộc sống yên bình. Vậy là sau gần 40 năm về đây lập bản, cuộc sống của người dân Khe Cạn đã đổi thay rất nhiều. Bà con đã được dùng điện lưới Quốc gia; cả bản không còn hộ thiếu ăn; 100% hộ có ti vi, xe máy… Nhiều hộ đã đưa các loại máy móc vào phục vụ sản xuất, chế biến chè; thu hoạch, bảo quản lúa… Đời sống kinh tế được nâng lên, người dân cũng đã quan tâm đầu tư cho con em được ăn học đến nơi, đến chốn. Theo anh Hoàng Văn Thính, ở bản người Mông này, trẻ em đến tuổi đều được đi học. Nhiều em đã tốt nghiệp THPT, trung cấp chuyên nghiệp… Được đi học mở mang kiến thức, nâng cao nhận thức nên tư duy của lớp trẻ cũng thay đổi rất tích cực. Các em thường kết hôn đúng tuổi, sinh đẻ có kế hoạch và rất mạnh dạn trong phát triển kinh tế gia đình…

 

Trước đây, giao thông đi, lại khó khăn là một trong những trở ngại của bản người Mông Khe Cạn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015, thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, 1,3 km đường giao thông của bản đã được bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi, lại, học tập của con trẻ; giao thương hàng hoá của người dân. Theo ông Hoàng Văn Bình - một người dân trong xóm, sau bao năm mong mỏi, niềm mơ ước về con đường mới đã thành hiện thực nên bà con trong bản rất phấn khởi. Đây sẽ là động lực để các hộ dân tiếp tục vươn lên ổn định cuộc sống.

 

Anh Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Mặc dù đời sống của người dân đã được cải thiện nhưng bà con vẫn còn gặp không ít khó khăn khi thiếu vốn đầu tư cho sản xuất; chưa được tiếp cận nhiều với những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt… Bởi vậy, chúng tôi rất mong, thời gian tới, Nhà nước tiếp tục duy trì các hình thức hỗ trợ cho bà con, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất như giống ngô, phân bón phục vụ cho thâm canh ngô lai; chăn nuôi trâu, bò; trồng cây ăn quả; trồng rừng… Tiếp đến là hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, công trình nước sạch và nâng cao mức sống tinh thần như hệ thống thông tin truyền thanh, truyền hình; chăm sóc sức khoẻ … cho bà con.

 

Chia tay Khe Cạn khi mặt trời đã khuất dần sau đỉnh núi phía trước mặt. Trong bóng chiều nghiêng nắng, những nếp nhà nép mình bên sườn núi đã toả làn khói trắng mờ. Mọi người đã trở về nhà để lo bữa cơm chiều sau một ngày làm việc vất vả dưới ruộng lúa, trên nương ngô… Đâu đó, tiếng mấy chú lợn rít lên đòi ăn phá tan bầu không khí yên ắng nơi bản vùng cao xa xôi. Dẫu còn không ít khó khăn nhưng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của người dân, chúng tôi tin bản người Mông này sẽ tiếp tục có những đổi thay tích cực trong tương lai.