Cho đến nay, mặc dù một số dự án chế biến, luyện kim quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động sản xuất một thời gian dài, nhưng dư âm của những chuỗi ngày khó khăn vẫn chưa hết.
Các chuyên gia cho rằng, những khó khăn đó ngoài một phần do khách quan mang lại thì còn bởi vẫn tồn tại không ít bất hợp lý trong quy hoạch và định hướng phát triển ngành.
Ai cũng hiểu, thuận lợi nhất khi phát triển ngành công nghiệp chế biến chính là chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Đó là lý do thời gian qua tỉnh ta đã thu hút được thêm ít nhất hai dự án sản xuất xi măng quy mô lớn. Điều dễ hiểu là bởi trên địa bàn tỉnh sẵn có các mỏ đá và nguyên liệu làm phụ gia xi măng. Tuy nhiên, chính vì lý do này mà hiện nay đang tạo sự mất cân bằng về cung - cầu của ngành sản xuất xi măng ngay tại địa phương. Khi Nhà máy Xi măng Quang Sơn với công suất 1,5 triệu tấn/năm có mặt tại Thái Nguyên cũng là lúc Nhà máy Xi măng La Hiên (nằm ngay bên cạnh) - đơn vị đã tồn tại ở địa phương hàng chục năm - đang được cải tạo, nâng công suất lên trên 1 triệu tấn/năm. Theo các chuyên gia kinh tế thì chỉ với công suất của hai nhà máy nói trên, cộng với các đơn vị sản xuất xi măng quy mô lớn trong khu vực miền Bắc cũng đã thừa so với nhu cầu xã hội hàng triệu tấn mỗi năm. Vậy mà, ngay khi Nhà máy Xi măng Quang Sơn ra đời, sản phẩm chưa kịp làm quen với thị trường thì lại xuất hiện ngay một đơn vị tầm cỡ nữa của ngành xi măng đó là Xi măng Quán Triều với công suất thiết kế khoảng 750 nghìn tấn/năm. Như vậy, sơ bộ sản lượng xi măng sản xuất theo thiết kế trên địa bàn tỉnh mỗi năm đạt tới hơn 3 triệu tấn. Có lần trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Ký, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Quang Sơn chia sẻ: "Giá như để thương hiệu xi măng Quang Sơn có đủ thời gian tiếp cận, chiếm lĩnh và ổn định trên thị trường rồi hãy đầu tư Nhà máy Xi măng Quán Triều thì chắc chắn những năm qua không chỉ chúng tôi mà cả các nhà máy xi măng khác đã không quá vất vả tìm kiếm đầu ra. Việc cung đang vượt quá cầu sẽ khiến thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn". Về thực tế này, một số chuyên gia còn ví von: Xi măng Quang Sơn giống như chú tê giác mới sinh chưa lâu đã phải chia sẻ bầu sữa thị trường với chú em sinh sau, trong khi lượng sữa có hạn. Và như vậy là cả hai anh em đều ăn không đủ no. Nguyên nhân chính là tại "bà mẹ" không thực hiện “kế hoạch hóa” - mà ở đây "bà mẹ" chính là cơ quan quản lý Nhà nước, còn “kế hoạch hóa” chính là quy hoạch ngành...
Không riêng gì xi măng, luyện kim cũng đang là ngành có những bất hợp lý nhất định. Theo thông tin từ Tổng Công ty Thép Việt Nam, chỉ tính riêng lĩnh vực luyện gang, cả miền Bắc đang có khoảng 20 nhà máy, trong đó Thái Nguyên có ít nhất 5 nhà máy đã đầu tư. Điều đáng nói là cả miền Bắc chỉ còn khoảng 5 nhà máy luyện gang đang hoạt động ổn định, trong đó tỉnh ta có hai đơn vị, một là của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và một của Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên. Câu hỏi đặt ra là tại sao thời gian qua, nhiều nhà máy luyện gang phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng? Không quá khó để trả lời rằng, nguyên nhân chính cũng xuất phát từ vấn đề quy hoạch.
Theo các tài liệu địa chất có đến thời điểm này, tỷ lệ mỏ quặng sắt xuất hiện khá dầy trên bản đồ khoáng sản của tỉnh với trữ lượng cả chục triệu tấn. Điều đó cho thấy, nguồn nguyên liệu chính yếu để phục vụ luyện gang, luyện thép và cho ra các sản phẩm thép xây dựng trên địa bàn là khá dồi dào. Cũng bởi vậy mà sau Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, nhiều doanh nghiệp xin cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy luyện gang trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ mỏ quặng sắt có hàm lượng cao (giàu quặng sắt) chỉ chiếm 1/3 so với tổng trữ lượng, số còn lại là quặng nghèo. Ngay như với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, hàm lượng quặng sắt phải đạt trên 50% mới có thể đưa vào nấu luyện. Do đó, quặng sắt khai thác nhiều nhưng một thời gian dài chỉ xuất khẩu thô hoặc phải phối trộn mới có thể giải quyết được tồn đọng. Trong khi đó, có thời gian chúng ta cấp phép cho một loạt các nhà máy luyện gang mà không tính đến khả năng công nghệ và năng lực đầu tư chế biến sâu của các doanh nghiệp. Thực tế thì hầu hết các dự án luyện thép đều có công suất nhỏ dưới 200 tấn/mẻ, công nghệ nấu luyện lạc hậu... Kết quả là sau đó không ít đơn vị phải bỏ dở dự án hoặc hoạt động cầm chừng do thua lỗ. Ngay như HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, đơn vị sở hữu khá nhiều mỏ quặng sắt cũng phải dừng một dự án luyện gang dự kiến có quy mô lớn tại huyện Đồng Hỷ - "thủ phủ" quặng sắt của tỉnh. Một số đơn vị khác như: Công ty CP Gang thép Gia Sàng, Nhà máy Luyện gang Hoa Trung, Nhà máy Hợp kim sắt Trung Việt... cũng đang rơi vào tình thế khó khăn do thiếu thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, việc quy hoạch xây dựng các nhà máy luyện gang khu vực miền bắc nói chung và ở Thái Nguyên nói riêng đang thừa so với nhu cầu thực tế. Được biết gần đây, Công ty CP Thép Toàn Thắng (tại Khu công nghiệp Sông Công I) đã được cấp phép triển khai Dự án sản xuất phôi thép các loại với công suất 150 nghìn tấn/năm, xỉ giàu mangan 220 nghìn tấn/năm và gang luyện thép 110 nghìn tấn/năm. Doanh nghiệp này đang tiến hành đầu tư xây dựng lò luyện mini với lý do để thí nghiệm trước khi đầu tư xây lại theo công suất được duyệt. Có thể thấy, trong khi một số đơn vị luyện gang quy mô hẹp đang gặp khó khăn thì lại xuất hiện thêm dự án đầu tư xây mới nhà máy luyện kim công suất nhỏ như vậy là vấn đề đáng bàn trong quy hoạch ngành công nghiệp của tỉnh…
Qua đây một lần nữa cho thấy vấn đề quy hoạch ngành quan trọng như thế nào đối với sự phát triển chung của ngành đó cũng như của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực.