12 năm kể từ ngày nghỉ hưu, ông Nguyễn Hữu Tám (trú tại xóm Thượng, xã Bảo Lý (Phú Bình) đã thử sức với nhiều mô hình nuôi trồng, nếm trải không ít thất bại, nhưng người thương binh này vẫn chưa bao giờ bỏ cuộc. Do làm kinh tế giỏi, ông Tám là 1 trong 5 đại biểu của tỉnh được chọn tham dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2018.
Năm 1969, ông Nguyễn Hữu Tám nhập ngũ, chiến đấu trên chiến trường Thượng Lào, là thành viên đoàn quân sự giúp nước bạn Lào tiễu phỉ. Rồi ông bị thương, được xuất ngũ, vào làm tại Công ty quản lý đường bộ Thái Nguyên năm 1970. Năm 2003 mới nghỉ hưu, nhưng ông đã làm kinh tế gia trại từ 5 năm trước đó. Kinh tế gia đình quá khó khăn, vợ làm giáo viên đồng lương ít ỏi, nên ông Tám quyết tâm thoát nghèo. Đầu tiên ông nuôi gà công nghiệp (500-700 con/lứa). Do gà nhiều bệnh dịch, ông chuyển sang nuôi hươu. Ngày đó, ông là người thứ 3 trong huyện thử sức với vật nuôi này. Thời gian đầu làm ăn khá tốt, mỗi năm ông cắt 2 lần nhung hươu, thu lãi khoảng 6 triệu/lần. Nhưng sau đó nuôi hươu trở nên phổ biến hơn, thị trường tiêu thụ nhung không còn được như trước. Thấy đầu ra khó, ông quyết định dừng nuôi sau 7 năm gắn bó.
Là một người thích thử nghiệm các cây trồng vật nuôi mới, năm 2013, ông Tám mạnh dạn chuyển hướng trồng thanh long ruột đỏ. Vợ ông phản đối lắm, bà cho rằng đất nhà không phù hợp. Hơn nữa, bà nghe nói trong Nam trồng rất nhiều loại cây này quả bán rẻ như cho. Nhưng rồi, sau khi ông đưa bà đến “mục sở thị” một trang trại thanh long tại xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên), bà đã bị thuyết phục hoàn toàn. Thời điểm đó, trên địa bàn huyện Phú Bình chỉ có một người trồng loại cây này với nguồn giống nhập từ Ninh Bình. Tìm hiểu về các giống cây trồng, ông Tám nhận thấy giống thanh long đỏ Ninh Bình cho ra quả to, tuy nhiên thời gian cho ra quả mỗi năm chỉ có 5 tháng. Trong khi đó, loại giống thanh long Đài Loan ra quả lên đến 6 tháng, ông quyết định trồng giống của Đài Loan, dù phải tự mình học tập phương pháp chăm sóc mới. Để có đất trồng thanh long, ông Tám phá bỏ vườn vải rộng 5 sào sau nhà. Vườn vải đã cho thu nhập nhiều năm nay nhưng giá bán quá rẻ (3-4 nghìn đồng/kg), lợi nhuận chẳng được là bao. Xét thấy trồng thanh long nhàn hơn, hiệu quả kinh tế cao và dễ tiêu thụ hơn so với cây vải, ông Tám đã “đánh đổi” vải lấy thanh long. Với vốn bỏ ra ban đầu chỉ khoảng 15 triệu đồng (5 triệu tiền giống, 10 triệu tiền cột), hiện tại vườn thanh long nhà ông có 150 gốc, thu khoảng 5 triệu/tháng.
Đi thăm một vòng cơ ngơi nhà ông Tám, chúng tôi thấy câu nói “mùa nào thức ấy” rất đúng ở đây. Ngoài thanh long, ông còn nuôi ong lấy mật, sở hữu một ao cá diện tích 700m2, đàn vịt gần 300 con, chưa kể vườn sắn và chuối. Dù cây, con quy mô không lớn, nhưng mỗi thứ một tí, thu nhập của gia đình ông trên 100 triệu đồng/năm. Ông chia sẻ: Do ít người làm cũng như thời gian, nên tôi không thể tập trung nuôi trồng quy mô lớn. Vì vậy, mô hình nuôi trồng theo quy mô nhỏ lẻ là hợp lý hơn cả. Năm nay đã 66 tuổi, kinh tế gia đình khá sung túc nhà cửa đề huề, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tám không để mình nhàn rỗi. Ông cho biết: Sắp tới tôi sẽ trồng thêm 500 gốc thanh long và vườn gấc nữa. Tuy nguồn vốn còn ít, nhưng tôi tin sẽ nhận được sự giúp đỡ từ Hội Nông dân các cấp.
Nhận xét về ông Nguyễn Hữu Tám, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bảo Lý - ông Bùi Xuân Phúc nói: Ông Tám là người dám nghĩ dám làm. Ông luôn nằm trong tốp hội viên có kinh tế giàu của xã. Mô hình trồng thanh long ruột đỏ này rất đáng được nhân rộng để anh em học tập, đưa kinh tế chung của xã đi lên.