Từ xóm 11, xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên) chúng tôi thuê một chiếc thuyền máy tới đảo Tò Vò. Mặc dù nhiều đảo của khu vực Hang Cà trên lòng hồ Núi Cốc trơ trọi vì rừng bị lâm tặc tàn phá nhưng nơi đó vẫn sót lại một khoảng rừng xanh mướt. Đó là khu rừng của ông Tô Tiến Sâm, người đã 25 năm sinh sống trên hòn đảo này.
Ông Tô Tiến Sâm (sinh năm 1955) được người dân bản địa gọi với cái tên thân mật: Chúa đảo. Giọng nói sang sảng, ông kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu mới mới ra đây làm kinh tế. Đó là năm 1990, khi có chính sách di dân vào vùng lòng hồ, ông đã để lại người vợ và các con nhỏ ở lại quê nhà (xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ) một mình lên đảo cuốc đất trồng chè, trồng rừng và chăn nuôi. Khi diện tích cây trồng ngoài đảo khoảng 1ha được thu hoạch, thì bà Ngô Thị Lan, vợ ông Sâm cùng với chồng lên đảo thu hoạch nông sản. Bà Lan bảo: Nơi này ngày đó âm u lắm, rừng vắng lặng, chim cú kêu suốt ngày. Con nhỏ nên tôi phải ở nhà, chỉ có mình ông ấy lặn lội sớm hôm ngoài đảo. Phải đến năm 2001, khi cô con gái lớn lấy chồng, những đứa còn lại tự trông nhau được, tôi mới vào đây với ông ấy. Mới đấy mà cũng đã 25 năm, ông bà là chủ của 20ha rừng, 1ha chè và cây ăn quả. Những dự án trồng rừng được triển khai tại địa phương như PAM, 327, 661 ông đều tham gia. Có nguồn thu nhập từ trồng rừng, chăn nuôi, ông lần lượt dựng vợ, gả chồng cho 5 người con. Bao nhiêu năm sống biệt lập trên đảo, ở trong ngôi nhà dựng tạm bằng cột bê tông trống huếch trống hoác cũng không khiến ông sờn lòng.
Khi chúng tôi hỏi, xung quanh khu vực Hang Cà rừng phòng hộ gần như bị lâm tặc phá trụi sao rừng của ông bà vẫn xanh tốt? Ông Sâm nói: Để giữ được rừng phải có sự liên kết với các hộ dân. Rừng của tôi cũng bị lâm tặc xâm phạm vài lần, cuối cùng cũng phải dứt khoát với chúng: Hôm nay lấy được mang về hết, còn từ ngày mai mà lấy tao sẽ không tha cho đứa nào. Có lẽ ánh mắt sắc lạnh cùng giọng nói đanh thép của ông khi đó đã khiến cho chúng chùn bước. Rồi ông trầm ngâm: Rừng ngoài kia không mất sao được. Người mua rừng nhưng thuê người khác trông coi trong khi nhà cách đây vài chục cây số. Người trông rừng thì “bật đèn xanh” cho lâm tặc. Thời gian mất nhiều rừng (từ cuối năm 2014 đến đầu 2015), lâm tặc có lúc mười mấy người, lực lượng kiểm lâm thì mỏng nên chẳng làm gì nổi. Chúng phá rừng như đi chiến dịch, ngày cắt, đêm chở, kiểm lâm bắt gặp thì chúng đánh nhau với cả lực lượng kiểm lâm…
- Rừng có giá như thế vậy ông đã bao giờ có ý định bán rừng? Ông Sâm cười: Cũng nhiều người hỏi mua rừng. Cách đây vài năm, rừng của tôi đã có người trả 2 tỷ đồng nhưng tôi không bán. Tiền thì biết bao nhiêu cho đủ, có khi có tiền lại làm hư con, hư cháu. Nơi đây không khí trong lành, chăn nuôi thoải mái, mình làm mình hưởng, nhà nông gắn bó với đất mà không có đất để canh tác thì có khác gì bị cụt mất chân tay. Trong số những người con đã trưởng thành của ông bà Sâm, có một người cũng đam mê và gắn bó với rừng như cha. Vì lợi ích mười năm trồng cây - Có lẽ đây cũng là căn nguyên để ông Sâm trọn đời gắn bó cả cuộc đời mình trên đảo Tò Vò.