Họ là những nông dân, chân trần, tay chai sạn, da nám nắng. Họ làm việc không quản thời gian, không nề hà nặng nhọc, không ngại lấm chân, bẩn tay.
Họ đã lao động như những tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường. Họ là những triệu phú người dân tộc Sán Dìu, sinh sống ở T.P Thái Nguyên.
Theo đồng chí Phan Thị Hà, Phó Phòng Dân tộc T.P Thái Nguyên: Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm hơn tới đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có các đề án phát triển kinh tế, hỗ trợ cho bà con vốn vay, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và xây dựng một số mô hình kinh tế để từng bước nhân ra diện rộng, thông qua các hoạt động này đã giúp đồng bào người dân tộc thiểu số nhanh chóng ổn định cuộc sống, nhiều hộ không những thoát nghèo, mà còn trở thành gia đình kinh tế tiêu biểu, có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đến thăm cơ sở sản xuất nấm của gia đình bà Nguyễn Thị Thảo, ở xóm Đồng Bẩm (xã Đồng Bẩm), chúng tôi được chứng kiến trong hơi nắng oi nồng mùa hè, vợ chồng bà Thảo cùng 7 lao động khác đang bận rộn với công việc băm, ủ, xử lý rơm, đóng bịch và treo bịch nấm lên giàn, ai nấy mồ hồi ướt đầm lưng áo. Nhìn từng bịch nguyên liệu làm nấm đã lên giàn trước đó đang nhú mầm trắng nõn, bà Thảo cho biết: Từ trồng nấm, gia đình tôi có thu nhập 450 triệu đồng/năm; còn lương người lao động đạt từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng... Ông Chu Đức Lợi, chồng bà Thảo cho biết thêm: Trước đây, gia đình tôi đã đầu tư mua sắm máy cày, bừa, máy tuốt lúa liên hoàn, máy làm đất loại lớn để làm dịch vụ. Đến năm 2007, gia đình tôi ra nhập Hợp tác xã Nấm Chùa Hang (Đồng Hỷ). Nhận thấy làm nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi từng bước chuyển hẳn sang chuyên nấm, từ diện tích nhà xưởng 100m2 trước đây, đến nay gia đình tôi đã xây dựng được 800m2 nhà xưởng, hằng tháng đưa ra thị trường từ 1,2 đến 1,5 tấn nấm tươi.
Chuyện làm giàu, ông Tạ Quang Khánh, người dân tộc Sán Dìu sinh sống ở tổ 10, phường Cam Giá đã chọn nghề trồng đào. Ông Khánh kể: Trước đây, vợ chồng tôi cũng tảo tần với công việc trồng sắn, cấy lúa, cho đến năm 2000 tôi mới mang cây đào về trồng thử trên đất của gia đình. Do hợp thổ những nên cây đào phát triển tốt, ngay vụ đầu tiên, vườn đào đã cho lãi 20 triệu đồng. Thấy trồng đào mang lại giá trị kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, tôi bàn với vợ phá bỏ các cây trồng có giá trị thấp để dành đất trồng đào. Từ năm 2010 đến nay, vườn đào gần 1.000 gốc cho gia đình tôi cho nguồn thu hơn 200 triệu đồng/năm.
Hiện T.P Thái Nguyên có hơn 7.300 hộ, với hơn 21.000 người dân tộc thiểu số, chiếm 7% tổng dân số của T.P Thái Nguyên. Đồng bào các dân tộc thiểu số sống phân tán trên khắp địa bàn Thành phố, chỉ có một số ít tập trung tại các xã: Quyết Thắng, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Cao Ngạn, Đồng Bẩm, Phúc Hà... Mặc dù ở phân tán, song đồng bào các dân tộc có tinh thần đoàn kết, biết thương yêu, giúp đỡ nhau cùng vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Trân trọng hơn, khi những triệu phú nông dân ấy là người dân tộc Sán Dìu, sinh sống ở ngay lòng Thành phố thép. Ông Dương Minh Ngọc, 71 tuổi, xóm 13, xã Phúc Hà là một trong những điển hình ấy. Ông Ngọc từng được Đảng, Nhà nước tặng nhiều Huân, Huy chương trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ; được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Bằng khen do làm kinh tế giỏi. Là đảng viên, ông sống mẫu mực, tích cực giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Ông bảo: Làm kinh tế, tôi không chạy theo ai, mà nghiên cứu và tìm một cách đi riêng cho mình. Tôi tập trung đầu tư cho chăn nuôi lợn, gia cầm, cá và ong. Với 200 đàn ong, mỗi năm cho tôi từ 2.400 đến 3.000kg mật, 200kg phấn hoa và 50kg sáp ong, đạt tổng thu hơn 200 triệu đồng/năm. Thấy việc nuôi ong mất ít vốn đầu tư, nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao, nên tôi vận động, hướng dẫn cho nhiều bà con trong vùng cùng tham gia. Đã có hơn 50 người được tôi hướng dẫn kỹ thuật nuôi, và cung cấp giống ong, đợi khi có sản phẩm là mật ong, phấn hoa, sáp ong tôi mới lấy tiến giống.
Mỗi người một cách làm giàu, song tôi có cảm nhận ở những triệu phú người dân tộc Sán Dìu là ở cách sống nền nếp, không vội vã, nhưng khi đã làm là làm hết mình và lúc thành công, luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với mọi người xung quanh - một đức tính tốt đáng được trân trọng.