Vụ hè thu năm nay, với sự nỗ lực sản xuất, điều tiết nguồn hàng của các doanh nghiệp phân bón trong nước, các mặt hàng phân bón đảm bảo đủ nguồn cung, đồng thời giá cả cũng ở mức ổn định.
Nguồn cung dồi dào
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, do có sự chủ động trong sản xuất và tích trữ của các doanh nghiệp phân bón trong nước nên không có tình trạng khan hàng, tăng giá. Nạn phân bón giả cũng dần được hạn chế.
Báo cáo của Hiệp hội phân bón Việt Nam cho thấy, phân bón Urê tại đồng bằng sông Cửu Long dao động quanh mức 7.800 đồng/kg. Thị trường phân bón Urê tại khu vực chợ Trần Xuân Soạn (TP Hồ Chí Minh) không cao, giá các mặt hàng phân bón vẫn giữ ở mức ổn định. Một số tỉnh phía Nam như Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang... nhu cầu phân bón khá ổn định và không có nhiều đột biến.
Thông tin từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho biết, nhà máy này đã hoàn thành bảo dưỡng tổng thể và đạt cả bốn chỉ tiêu về an toàn, chất lượng, tiến độ và chi phí. Nhà máy đã cho ra sản phẩm urê với 100% công suất vào ngày 20/6. Sau khi hoạt động trở lại, Nhà máy Đạm Phú Mỹ tiếp tục cung cấp ra thị trường gần 2.400 tấn/ngày, tương đương 70.000 tấn/tháng. Trong vụ hè thu 2015, nhu cầu phân đạm cho cây trồng cả nước dự kiến hơn 750.000 tấn; trong đó, sản lượng Đạm Phú Mỹ do PVFCCo cung cấp là khoảng hơn 350.000 tấn.
Công ty Đạm Hà Bắc mới đây đã khánh thành dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, mở rộng và nâng công suất Nhà máy phân đạm Hà Bắc từ 180.000 tấn urê lên 500.000 tấn/năm. Ông Nguyễn Hạc Thúy cũng nhận định, giá phân bón urê trong nước thời gian qua không có nhiều biến động bởi lẽ nguồn cung phân bón đang khá dồi dào và có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau cũng như với hàng nhập khẩu. Nhu cầu urê ở mức 2,2 triệu tấn/năm, trong khi công suất thiết kế của 4 nhà máy phân Đạm Hà Bắc (500.000 tấn/năm), Đạm Ninh Bình (560.000 tấn/năm), Đạm Phú Mỹ (800.000 tấn/năm) và Đạm Cà Mau (800.000 tấn/năm) lên tới 2,6 triệu tấn/năm và ngoài ra có thêm nguồn hàng nhập khẩu.
Chống phân bón giả, kém chất lượng
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, với Nghị định số 202/2013/NÐ-CP về quản lý phân bón, phân bón giả cũng đã được kiểm soát tốt hơn trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại không ít doanh đơn vị làm ăn gian dối, nhập sản phẩm kém chất lượng, thiếu hàm lượng dưỡng chất cho cây trồng. Phân bón giả, kém chất lượng không chỉ gây tác hại cho cây trồng, mà còn thiệt hại đến thương hiệu các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón chân chính.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), hiện năng lực sản xuất phân bón của cả nước vào khoảng hơn 10 triệu tấn; trong đó, phân đạm urê đạt 2,6 triệu tấn, phân DAP đạt 990.000 tấn, phân lân khoảng 2 triệu tấn và phân NPK từ 3,5 – 4 triệu tấn/năm, cộng thêm lượng phân bón nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn. Với nhu cầu trong nước sử dụng khoảng 10 triệu tấn, nhiều nhà máy đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và tìm hướng để xuất khẩu sản phẩm.
Mặc dù đã đáp ứng được nhu cầu về phân urê, phân lân, phân NPK nhưng nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, thị trường vẫn nhiều phân bón nhập khẩu; trong đó có phân bón kém chất lượng từ Trung Quốc. Việc kiểm tra, kiểm soát cũng gặp nhiều khó khăn do khó có thể nhận biết bằng mắt thường. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, khi mua các loại phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ nông nghiệp, nông dân nên cảnh giác với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng được nhập trôi nổi, giá rẻ, không rõ xuất xứ. Người dân nên chọn mua sản phẩm ở các cửa hàng, đại lý phân phối uy tín để tránh mua nhầm hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Để giải quyết tình trạng phân bón kém chất lượng, theo ông Nguyễn Hạc Thúy, các ngành chức năng cần tập trung hoàn thiện, siết chặt hơn các quy định về điều kiện sản xuất, phân phối và thực hiện tốt Nghị định số 202/2013/NÐ-CP. Ngoài ra, hệ thống cung ứng phân bón vốn chồng chéo, đội giá thành gây thiệt hại cho nông dân cần phải được cơ cấu lại. Đặc biệt, siết chặt chất lượng phân bón và hệ thống sản xuất phân bón NPK để tránh làm giả, làm nhái.