Phát triển giao thông ở Võ Nhai: Kết quả của sự đồng tâm, hiệp lực

09:47, 30/07/2015

Trong những năm qua, thực hiện chủ chương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Võ Nhai đã huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng các công trình giao thông, người dân trên địa bàn huyện cũng tích cực tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí để đối ứng… Nhờ đó, mạng lưới giao thông của huyện đã từng bước được hoàn thiện đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương.

Diện tích tự nhiên lớn, địa hình bị chia cắt, phức tạp do đồi núi, sông, suối, nguồn lực đầu tư hàng năm lại hạn chế nên mạng lưới giao thông của huyện Võ Nhai luôn thuộc diện khó khăn nhất so với các địa phương khác trong tỉnh. Song cấp uỷ, chính quyền huyện Võ Nhai xác định: Phát triển giao thông là giải pháp quan trọng bậc nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, trong 5 năm qua huyện đã tích cực lồng ghép các chương trình để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), người dân trong huyện cũng hiến hàng vạn mét vuông đất, tài sản trên đất; đóng góp nhiều tỷ đồng, ngày công để cùng chính quyền các cấp đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn.

 

Từ năm 2010 đến 2015, số vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của huyện Võ Nhai là hơn 521,8 tỷ đồng (nhân dân đóng góp gần 25,8 tỷ đồng và doanh nghiệp hỗ trợ gần 1,4 tỷ đồng). Đây là lượng kinh phí rất lớn đối với một huyện vùng cao có nguồn thu ngân sách hạn hẹp, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn… Hiện nay, huyện Võ Nhai đang quản lý gần 700km đường giao thông, trong đó đã cứng hóa được gần 250km. Các tuyến đường trục xã, liên xã được cứng hóa (đạt tỷ lệ 100%), 110km đường trục chính đến các xóm (đạt tỷ lệ 30,1%), gần 80km đường ngõ xóm (đạt tỷ lệ 21,1%), 39km đường nội đồng (đạt tỷ lệ 50,1%) được cứng hóa… Chỉ tính riêng 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện đã bê tông hóa được gần 90km đường giao thông nông thôn. Trong đó, người dân đã đối ứng 30% và hiến hơn 70.000m2 đất để xây dựng hạ tầng giao thôn nông thôn. Nhiều tuyến đường thuộc chương trình 135, 147, 30A… cũng được người dân tích cực đóng góp, điển hình như tuyến đường từ trung tâm xã Tràng Xá đến miền Đông Bo (8 xóm phía Đông Bắc của xã Tràng Xá) dài gần 9km được Nhà nước đầu tư gần 10 tỷ và nhân dân đóng góp mỗi hộ 1,2 triệu đồng, ngoài ra có 30 hộ dọc tuyến đường đã hiến đất, tháo dỡ công trình để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và đơn vị thi công nên chỉ trong một thời gian ngắn, tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng…

 

Để đạt được kết quả như trên, cấp uỷ, chính quyền các cấp của huyện Võ Nhai đã thực hiện chủ chương “Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ” để huy động các nguồn lực trong xã hội vào phát triển giao thông. Bên cạnh đó, cuối năm 2014, thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống và sản xuất những xóm, bản đặc biệt khó khăn nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 2037), huyện Võ Nhai được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đầu tư hơn 35 tỷ đồng xây dựng 8 tuyến đường với chiều dài 25,6km đến 8 xóm bản đặc biết khó khăn. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc Mông ở những xóm khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế mà cộng đồng dân cư dọc theo các tuyến đường đều được hưởng lợi. Bà Hoàng Thị Công, khu Lân Thùng, xóm Đồng Dong, xã Phương Dao chia sẻ: Giao thông đi lại vô cùng khó khăn, nên khi Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường, gia đình tôi đã hiến gần 100m2 đất mà không đồi hỏi đền bù, giờ công trình hoàn thành nên việc đi lại của người dân trong xóm thuận tiện hơn nhiều…

 

Với điều kiện còn nhiều khó khăn như của huyện Võ Nhai, trong khi, nguồn vốn cho xây dựng giao thông là rất lớn, vì vậy việc huy động tổng thể các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ này có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt là sự đồng lòng, chung sức của nhân dân địa phương trong việc đối ứng, cùng Nhà nước xây dựng thì hạ tầng giao thông ngày càng phát triển…