Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Tăng cường liên kết “3 nhà”

16:13, 19/07/2015

Để  thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ có vai trò quyết định nhằm tăng năng suất lao động của người nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, để tìm lời giải cho bài toán này không phải là điều dễ dàng khi còn nhiều vướng mắc liên quan đến công tác triển khai đề tài, chất lượng nguồn nhân lực và mối liên kết, hợp tác giữa các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, người sản xuất…

 

Từ nhiều năm nay, công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ được xem là một trong những khâu đột phá của ngành Nông nghiệp nhằm bắt kịp với trình độ công nghệ của các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời nhanh chóng gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Qua quá trình triển khai thực hiện, không thể phủ nhận đã có nhiều tiến bộ về khoa học - công nghệ được đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa cũng như nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác.

 

Theo báo cáo của Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), qua 10 năm (2006 - 2014) triển khai Chương trình “Trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” và Đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản đến năm 2020”, nhiều đề tài đã được triển khai và đạt được những kết quả khả quan. Trong đó, chương trình đã triển khai được hơn 200 nhiệm vụ khoa học công nghệ; trong đó, 130 nhiệm vụ khoa học - công nghệ đã nghiệm thu, một số nhiệm vụ tiếp tục được đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm ứng dụng vào sản xuất. Với nỗ lực triển khai, chương trình đã tạo được nhiều giống cây trồng mới (lúa, ngô, hoa, cây ăn quả...) được công nhận chính thức và sản xuất thử; nhiều giống triển vọng đang khảo nghiệm quốc gia. Đồng thời, nhiều chế phẩm sinh học trong bảo vệ thực vật, phân bón, cải tạo đất, xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi, vắc-xin... được chế tạo và mang lại hiệu quả trong sản xuất; hoặc trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, việc áp dụng máy móc, thiết bị làm đất, gặt lúa, phun nước tự động,... đã được triển khai tại nhiều địa phương, tạo bước tiến đáng kể trong quá trình sản xuất.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần những thiết bị, hệ thống cơ sở máy móc đều được du nhập từ nước ngoài, trong khi rất ít các sản phẩm tự nghiên cứu và chế tạo mang bản quyền ở trong nước. Điều này một phần xuất phát từ hạn chế trong công tác nghiên cứu đề tài khoa học - công nghệ.

 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thủy sản Phạm Anh Tuấn, hiện nay, có không ít những đề tài nghiên cứu bảo vệ xong là... “cất vào ngăn tủ”; hoặc cũng không ít những đề tài được triển khai tốt từ các khâu bảo vệ đề tài, tiến hành nghiên cứu,... nhưng kết quả áp dụng trong thực tiễn vẫn là con số "0". Điều này có thể lý giải một phần do những nghiên cứu còn chưa bám sát với thực tiễn, còn mang nặng tính hình thức lý thuyết, chung chung. Những đề tài nghiên cứu khoa học chỉ thực sự được xem là thiết thực và hiệu quả khi bản thân những đề tài này được áp dụng vào thực tế và góp phần cải thiện quá trình sản xuất cho người nông dân.

 

Hiện nay, mối quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa người sản xuất và các nhà khoa học vẫn còn lỏng lẻo, đồng thời mối liên hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp và các nhà khoa học vẫn còn chưa được mặn mà. Đây là câu chuyện không mới, nhưng để giải quyết được hạn chế này trong quá trình tiến hành tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thì việc tăng cường hợp tác giữa 3 nhà: Nhà Nông - Nhà Khoa học - Nhà Doanh nghiệp càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

 

Chính bản thân các doanh nghiệp còn ngại đầu tư vào việc nghiên cứu các công nghệ do nhiều cơ chế, chính sách vẫn chưa đủ sức hấp dẫn và thu hút. Đồng thời, các doanh nghiệp còn e ngại về việc chia sẻ bản quyền tài sản trí tuệ và thủ tục hành chính khi tham gia cùng đầu tư chương trình hay phát triển thành sản phẩm hàng hóa, trong khi để triển khai hiệu quả các đề tài thì sự tham gia của doanh nghiệp đóng vai trò trọng yếu trong việc đưa kết quả nghiên cứu đến thực tế sản xuất.

 

Thực tế cũng cho thấy, không ít các đề tài, dự án liên tục thay đổi chủ nhiệm, gây khó khăn trong quá trình triển khai, lãng phí thời gian, tiền của và khó đi tới cùng một kết quả. Đồng thời, cũng có những kết quả đề tài, dự án mang tính thực tế cao nhưng chưa có những điều kiện cần thiết để triển khai và ứng dụng.

 

Thiết nghĩ, để công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ hiệu quả, điều cần thiết và quan trọng đầu tiên cần quan tâm là bản thân các đề tài có thể đáp ứng nhu cầu của thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả cho quá trình sản xuất, bảo quản, tiêu thụ hay không. Nên chăng, khi các đề tài được bắt đầu nhen nhóm, những người tham gia trực tiếp nghiên cứu cần ý thức đề tài có thể tạo ra được sản phẩm gì trong thực tiễn? Có thể đưa vào áp dụng cho sản xuất của người nông dân? Các đề tài cần hướng đến kết quả cuối cùng là sản phẩm tạo ra được áp dụng trong thực tiễn – điều này nên được xem là mục đích soi đường cho quá trình triển khai.

 

Bên cạnh đó, công tác khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nghiên cứu khoa học - công nghệ là điều cần thiết, bởi chỉ có doanh nghiệp mới có đủ điều kiện để nghiên cứu và ứng dụng trên quy mô diện tích rộng. Để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ngành Nông nghiệp nhằm có những cơ chế, chính sách hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu, ứng dụng; lắng nghe những băn khoăn và gỡ khó cho những điều còn trăn trở của doanh nghiệp. Chỉ khi con đường đi vào đầu tư khoa học - công nghệ được thông thoáng, doanh nghiệp mới có đủ kiều kiện và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực tốn khá nhiều tiền của và công sức này.

 

Đồng thời, việc phối hợp giữa các viện nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành với các doanh nghiệp là điều cần thiết để bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện các đề tài, dự án.

 

Nhằm làm tăng mối liên kết giữa các mắt xích này, rất cần đến những đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp gửi tới các viện, vừa đảm bảo tính thực tiễn yêu cầu của sản xuất, vừa làm tăng mối liên kết giữa các viện và các doanh nghiệp. Trong đó, để đáp ứng được điều này, các viện cần tạo được sự tin cậy và uy tín về chất lượng nghiên cứu cho các doanh nghiệp.

 

Song song với đó, để đưa các đề tài đi đến kết quả, việc cần có nguồn nhân lực chất lượng để tích cực triển khai nghiên cứu là công tác quan trọng cần quan tâm, chú ý. Để thực hiện điều này cần có chiến lược đầu tư lâu dài và nên bắt đầu từ các giảng đường đại học chuyên ngành, nhằm đào tạo bài bản những cán bộ nghiên cứu chuyên sâu về khoa học - công nghệ. Mặt khác, xã hội hóa việc nghiên cứu khoa học - công nghệ là điều khuyến khích nên làm để tạo điều kiện cho mỗi cá nhân có niềm đam mê tiếp tục sáng chế, nghiên cứu, góp phần vào quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp.

 

Việc đẩy nhanh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ không phải là một bài toán dễ có thể thực hiện nhanh chóng, bởi cần rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Tuy nhiên, sẽ không là phức tạp nếu chúng ta đi đúng hướng, biết bám sát vào nhu cầu của thực tiễn (quá trình sản xuất cần gì?, cần cải thiện quá trình gì?...), biết đầu tư cho nguồn nhân lực và có cơ chế thông thoáng thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào quá trình nghiên cứu./.