Hiện nay, trà lúa mùa sớm đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh - làm đòng (tại các huyện phía nam tỉnh), trà lúa mùa trung giai đoạn đẻ nhánh rộ, trà lúa mùa muộn giai đoạn bén rễ - hồi xanh. Điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại, đáng chú ý một số đối tượng như sau:
1- Sâu cuốn lá nhỏ:
Hiện nay trưởng thành lứa 5 đã xuất hiện. Dự báo trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ sẽ ra rộ từ ngày 24/7- 5/8/2015, sâu non sẽ nở rộ từ 30 tháng 7 đến 10 tháng 8. gây hại mạnh trên phạm vi rộng, đặc biệt trên lúa mùa sớm giai đoạn đứng cái, làm đòng tại các huyện phía nam.
2- Sâu đuc thân 2 chấm:
Trưởng thành lứa 4 đã xuất hiện rải rác, dự báo trưởng thành lứa 4 sẽ ra rộ từ 24 tháng 7 đến 03 tháng 8, kéo dài đến 13 tháng 8. Sâu non nở rộ từ 31 tháng 7 đến 10 tháng 8, kéo dài đến 20 tháng 8, gây ung đòng, bông bạc trên trà lúa mùa sớm, gây dảnh héo trà lúa mùa trung, trà mùa muộn từ đầu tháng 8, mức độ hại trung bình đến nặng, cục bộ rất nặng.
Ngoài ra các đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn tiếp tục phát triển và gây hại trên đồng ruộng.
Để hạn chế thiệt hại do sâu đục thân 2 chấm và sâu cuốn lá nhỏ gây ra, Chi cục BVTV yêu cầu các phòng chuyên môn thuộc Chi cục, trạm BVTV các huyện, thành phố, thị xã tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu bệnh hại, căn cứ vào thực tế sản xuất tại địa phương chủ động tham mưu, đề xuất và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ hiệu quả, phù hợp.
* Đối với sâu cuốn lá nhỏ.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu non, trên trà lúa đang ở giai đoạn đứng cái làm đòng, nơi có mật độ sâu từ 20 con/1m2 trở lên, giai đoạn lúa để nhánh nơi có mật độ sâu 50con/m2 trở lên phải tiến hành phun trừ, những ruộng cỏ mật độ sâu cao trên 100 con/m2 phải phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 4 - 5 ngày.
Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau đây:
Regent 800 WG, Padan 95 SP, Rigell 800 WG, Patox 95 SP, Actamec 20EC, 40EC để phun trừ.
Thời điểm phun thuốc tốt nhất khi sâu non tuổi 1, tuổi 2 (bao lả còn xanh, mới cuốn ở 1/3 phía đầu lá).
* Đối với sầu đục thân 2 chẩm:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của trưởng thành và mật độ ổ trứng, trên trà lúa đang ở giai đoạn đứng cái làm đòng nếu thấy mật độ ổ trứng từ 0,2 ổ/1m2 trở lên cần phải phun trừ, những nơi có mật độ ổ trứng cao trên 1 ổ/m2, cần phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 4 - 5 ngày.
Có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Regent 800 WG, Padan 95 SP, Victory 585 EC, Virtako 40 WG, Dragoannong 585EC để phun trừ.
Thời điểm phun thuốc tốt nhất khi sâu non mới nở.
Chú ý:
- Khi lúa đang trỗ chỉ được phun thuốc vào buổi chiều mát.
- Nồng độ, liều lượng theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc.
- Nếu sau phun 2 giờ bị mưa cần phun lại.
- Thời điểm phun thuốc cụ thể Chi cục giao trạm BVTV các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn.
Chi cục BVTV báo cáo và đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các ban ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức hướng dẫn để nông dân chủ động kiểm tra đồng ruộng và thực hiện các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn kịp thời, hiệu quả.
CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT THÁI NGUYÊN