Tìm giải pháp thu hút các dự án lớn

09:59, 22/07/2015

Theo số liệu mới được công bố của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) từ đầu năm đến nay của cả nước không được như mong đợi, với số vốn đăng ký mới chỉ bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng dự án mới cấp phép lại nhiều hơn. Như vậy, quy mô về vốn trung bình của mỗi dự án mới được cấp phép đã giảm, thiếu vắng những dự án ĐTNN quy mô lớn. Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là cần tìm giải pháp thu hút những dự án đầu tư lớn, góp phần thay đổi cục diện về ĐTNN trong thời gian tới.

Đánh giá chuyên môn cho thấy, sở dĩ có thực tế nói trên là do phần lớn các nhà ĐTNN đang trong tình trạng khó khăn, chưa thoát hẳn ra khỏi vòng ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế thế giới, đồng thời đang đứng trước áp lực phải thực hiện tái cơ cấu đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Điều này khiến giới đầu tư ngoại trở nên thận trọng trước khi ra quyết định đầu tư.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định mặc dù số vốn ĐTNN đổ vào Việt Nam thời gian vừa qua có giảm nhưng giảm không nhiều và cũng có thể được coi như một sự "cầm cự" đáng ghi nhận. Thực tế đó cũng đặt ra một yêu cầu đối với Chính phủ và các cơ quan hữu quan là sớm nghiên cứu, tìm biện pháp phù hợp để kích thích dòng vốn ngoại "chảy" vào nước ta mạnh hơn. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cần đẩy mạnh tuyên truyền về lĩnh vực này, trong đó nhấn mạnh những quy định mới cũng như sự thuận lợi, thông thoáng của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) đến cộng đồng nhà ĐTNN. Theo đánh giá, Luật Đầu tư và Luật DN (vừa chính thức có hiệu lực, với nhiều nội dung, quy định mới mang mục đích vì lợi ích của DN) sẽ là động lực to lớn tạo ra sự hấp dẫn và trực tiếp thúc đẩy sự gia tăng nguồn vốn ĐTNN vào Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương tăng cường rà soát, làm rõ những nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ triển khai các dự án, tiến tới kiểm soát tốt và khắc phục tình trạng nhà đầu tư nhận giấy phép rồi để đấy, đồng thời sẵn sàng xử lý, thậm chí kiên quyết rút giấy phép nếu nhà đầu tư không có lý do chính đáng về việc không triển khai dự án. Quan điểm này đang là bước đi có tính chất nhất quán và mạnh mẽ của nhiều địa phương…

 

Cũng theo nhận định của ngành chức năng, trong những tháng tới nhiều khả năng sẽ xuất hiện một số dự án lớn (với số vốn từ 300 triệu USD trở lên, chủ yếu đến từ Mỹ, Hàn Quốc và các nước Trung Đông), từ đó làm cho bức tranh thu hút nguồn vốn ĐTNN của nước ta trở nên sáng hơn. Các dự án này là kết quả tích cực từ việc Việt Nam đã và sắp ký kết những hiệp định thương mại tự do (FTA) với đối tác quan trọng, như: FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam với liên minh kinh tế Á - Âu hoặc TPP. Cùng với đó, một số chuyên gia kinh tế khuyến nghị chính quyền các địa phương cần duy trì sự quan tâm, chăm sóc các dự án đang hiện diện trên địa bàn, tập trung tháo gỡ khó khăn và tiếp sức cho họ hoạt động hiệu quả. Thông qua sự chia sẻ trên tinh thần kịp thời, cầu thị sẽ tạo ra sự gắn bó, sẵn sàng hợp tác giữa chính quyền sở tại và nhà đầu tư, đồng thời tạo ra niềm tin, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Mặt khác, nếu làm tốt việc này cũng là một biện pháp thiết thực để ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động và góp phần bảo đảm an sinh xã hội một cách lâu dài. Kinh nghiệm cho thấy một khi hấp dẫn được những dự án đầu tư quy mô lớn, có sức lan tỏa rộng thì sẽ tạo ra hiệu ứng tổng hợp, kéo theo nhiều dự án nhỏ để nâng cao nguồn thu vào ngân sách và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn cấp tỉnh hoặc khu vực...