Ưu tiên phát triển thương mại - dịch vụ

17:24, 16/07/2015

Là trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh và trung tâm giáo dục của cả vùng Đông Bắc, T.P Thái Nguyên có thế mạnh để phát triển ngành thương mại - dịch vụ. Với ưu thế này, Đại hội Đảng bộ T.P Thái Nguyên nhiệm kỳ 2010-2015 đã đưa ra mục tiêu: Tập trung phát triển thương mại, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 Để cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết đề ra, T.P Thái Nguyên đã có nhiều chương trình, đề án thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển. Ông Vũ Văn Giang, Phó phòng Kinh tế Thành phố thông tin: Thời gian qua, chúng tôi đã tập trung triển khai Đề án “Chuyển đổi mô hình quản lý và phát triển hệ thống chợ giai đoạn 2011-2015”. Bởi vậy, từ một địa phương còn nhiều khu chợ tạm, chợ cóc, đến nay T.P Thái Nguyên có 26 chợ đã và đang được đầu tư nâng cấp văn minh, hiện đại cùng với hệ thống các trung thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ đáp ứng nhu cầu kinh doanh và mua sắm của các tổ chức, cá nhân và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

 

Ngoài cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ, những năm qua, T.P Thái Nguyên luôn ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Để tạo điều kiện thuận lợi trong kinh doanh, Thành phố đã dành những quỹ đất có khả năng sinh lời cao ở các phường trung tâm, các trục phố chính, tận tình hướng dẫn về mặt thủ tục hành chính, giúp đỡ trong khâu giải phóng mặt bằng... Điều này đã tạo được sự hài lòng cao đối với các nhà đầu tư. Ông Hoàng Gia Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Mấm, chủ Dự án xây dựng khu tổ hợp văn phòng, nhà hàng, khách sạn, siêu thị Minh Cầu chia sẻ: Từ khi bắt đầu thực hiện Dự án đến nay, chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ phía các phòng, ban chuyên môn của UBND Thành phố, do vậy việc thực hiện dự án diễn ra hết sức thuận lợi. Được biết, Dự án xây dựng khu tổ hợp văn phòng, nhà hàng, khách sạn, siêu thị sẽ có tổng mức đầu tư trên 153 tỷ đồng với 21 tầng. Hiện đã có 8 tầng được xây dựng hoàn chỉnh đang khai thác làm siêu thị.

 

Cũng nhờ ưu tiên phát triển thương mại - dịch vu, thu hút đầu tư nên cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ trên địa bàn Thành phố ngày càng  hiện đại, đồng bộ. Trên địa bàn thành phố đã hình thành một số trung tâm thương mại, 25 siêu thị chuyên doanh, siêu thị tổng hợp và trên 100 cửa hàng tự chọn, gần 20 ngân hàng thương mại với hàng trăm điểm giao dịch đang hoạt động có hiệu quả. Trong lĩnh vực vận tải có 39 doanh nghiệp, trong đó có 14 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng taxi; 4 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe bus từ trung tâm Thành phố đi đến tất cả các huyện, thị trong tỉnh và thủ đô Hà Nội; 17 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe khách, với 128 tuyến đến hầu khắp các địa phương trong cả nước; năng lực vận chuyển đạt trên 20 triệu lượt khách/năm. Hệ thống cơ sở lưu trú với gần 100 khách sạn, nhà nghỉ với tổng diện tích mặt bằng trên 60ha, hàng trăm nghìn m2 sàn sử dụng, trong đó có nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 - 3 sao trở lên; có trên 1.000 nhà hàng, điểm ăn uống giải khát đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ cho du khách khi tổ chức các sự kiện lớn cấp vùng và quốc gia. Cũng trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ - thương mại tương đối ổn định, ước bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 17%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2011-2015 đạt trên 56.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% toàn tỉnh.

 

Ông Mai Đông Kinh, Phó Bí thư Thành ủy Thái Nguyên cho biết: Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Thành phố tiếp tục xác định phát triển thương mại - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, sẽ tập trung chỉ đạo chính quyền các cấp nâng cao tinh thần phục vụ trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành thương mại - dịch vụ, chú trọng phát triển một số ngành có lợi thế như: Công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, bưu chính viễn thông, vận tải, du lịch, tài chính, ngân hàng…Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ chiếm trên 50 % cơ cấu kinh tế của Thành phố.