Đầu tư cho cây chè, trồng rừng và chăn nuôi đang là những thế mạnh trong phát triển kinh tế ở xã đặc biệt khó khăn Văn Lăng (Đồng Hỷ). Nhờ đó, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, đời sống được cải thiện từng bước.
Qua cầu treo Vân Lăng, chúng tôi đến xã Văn Lăng, nơi có đồi, rừng nối nhau tít tắp, với những nương chè, ngô, ruộng lúa bậc thang chênh chếch sau các ngôi nhà sàn dựa vào núi. Đường vào trung tâm xã được trải nhựa phẳng lì, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, nhân dân trong xã rất nỗ lực vươn lên giảm nghèo và đã có những bước tiến rõ rệt. Đời sống của bà con được nâng lên, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015) đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch…
Văn Lăng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ. Toàn xã có trên 1.200 hộ với gần 5,2 nghìn nhân khẩu, số hộ sản xuất nông nghiệp chiếm trên 98%. Văn Lăng đất rộng, nhưng nhiều đồi núi cao, khe nước ở dưới sâu, vì vậy việc sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn. 5 năm trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, bên cạnh việc khuyến khích người dân đưa các giống ngô, lúa năng suất cao vào sản xuất, xã đã chú trọng tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi những diện tích đất đồi cho thu nhập thấp sang trồng rừng và chè. Cùng với đó, sẵn lợi thế có nhiều đồi núi thuận lợi cho chăn thả gia súc, gia cầm, người dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm đặc biệt là chăn nuôi gà, dê. Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Cách làm của chúng tôi là từng bước trang bị kiến thức về kỹ thuật sản xuất mới cho người dân. Xây dựng các ô mẫu sản xuất ngô, lúa, chè... để người dân thấy hiệu quả, làm theo. Đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn như: Phòng Nông nghiệp & PTNT; Trạm Khuyến nông và cán bộ các dự án để chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới về trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ dân. Đến nay, các gia đình có nhu cầu đều được tham gia học tập, tìm hiểu về cách sản xuất mới, tiến bộ thông qua các lớp tập huấn.
Cách làm trên được người dân tích cực hưởng ứng và đã có hàng trăm hộ thoát nghèo bền vững. Điển hình như gia đình anh Triệu Văn Long, người dân tộc Dao ở xóm Dạt. Từ năm 2010, được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình anh chuyển đổi dần 5 sào đất đồi sang trồng chè. Sau 3 năm gia đình anh đã bắt đầu có thu nhập từ cây chè. Bên cạnh đó, gia đình anh cũng vay mượn thêm để chăn nuôi dê, từ 9 con dê ban đầu, đến nay đã phát triển thành đàn dê trên 40 con. Mỗi năm gia đình anh bán ra thị trường khoảng 1 tấn chè búp khô, đem lại doanh thu gần 100 triệu đồng. Đàn dê của gia đình anh đã bắt đầu được xuất bán từ năm 2014, hiện thương lái đến tận nhà mua với giá 130 nghìn đồng/kg. Từ sản xuất chè, nuôi dê, gia đình anh Long đã thoát nghèo đồng thời dựng được ngôi nhà trị giá trên 100 triệu đồng thay thế vào ngôi nhà đất cũ nát và lo cho các con đi học.
Niềm vui của gia đình anh Long cũng là niềm vui của nhiều gia đình ở Văn Lăng đã thoát nghèo thời gian qua. Người dân ở Văn Lăng hiện đã sản xuất vụ 3 trên nhiều diện tích đất, đồng thời mở rộng những nương chè và tập trung trồng rừng sản xuất. Những lưng núi cao nơi có đồng bào người Mông sinh sống nay cũng đổi khác nhiều. Như đồng bào bản Khe Cạn đã sản xuất 2 vụ lúa thành công, nhiều hộ tập trung đầu tư sản xuất chè đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tư duy sản xuất của bà con đã được thay đổi, lúa, ngô giống mới được đưa vào sản xuất đại trà; cây chè được chăm bón theo đúng kỹ thuật sản xuất... Hiện tại, lương thực bình quân đầu người ở Văn Lăng đạt 461 kg/người/năm, sản lượng lương thực đạt 2,8 nghìn tấn, tăng gần 900 tấn so với năm 2010. Cây chè tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Trong 5 năm, toàn huyện đã trồng mới được 57ha chè cành, (đạt 190% so với Nghị quyết đề ra) nâng diện tích chè thâm canh lên thành 206ha, sản lượng chè búp tươi đạt 20,6 nghìn tấn. Tổng đàn gia súc, gia cầm ổn định với 2.200 con trâu, bò, dê; 5.500 con lợn; 30 nghìn con gia cầm các loại; công tác bảo vệ rừng tiếp tục được chú trọng, xã đã trồng mới được 263ha rừng đạt 105% kế hoạch so với đầu nhiệm kỳ; thu nhập bình quân đạt 13,5 triệu đồng/người/năm tăng 7,5 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ hộ nghèo còn 46,2%, giảm được 16,8% so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt gần 83%; 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường; an ninh - quốc phòng địa phương luôn được giữ vững…
Tập trung trồng chè, rừng và chăn nuôi đã đóng góp lớn trong phát triển kinh tế của bà con trong xã. Bởi thế thời gian tới, Văn Lăng sẽ tiếp tục chú trọng vận động bà con nâng cao kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi nhằm thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2015-2020 như: thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm; sản lượng lương thực đạt 2,8 nghìn tấn; sản lượng chè búp tươi đạt 24 nghìn tấn…