Xác định phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua huyện Đồng Hỷ đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện từ huyện đến cơ sở. Nhờ đó, sau 5 năm triển khai thực hiện, kết cấu hạ tầng toàn huyện đã có nhiều thay đổi đáng kể, tạo đà cho huyện phát triển bền vững.
Đồng Hỷ là huyện miền núi có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, có nhiều đồi núi sông suối. Vào năm 2010, thực trạng về hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn. Cụ thể như: Số km đường giao thông chưa được đầu tư, nâng cấp còn nhiều; hệ thống thoát nước ở các khu dân cư chưa được đầu tư xây dựng gây gập úng cục bộ; trụ sở UBND các xã, thị trấn chủ yếu là công trình cấp IV, đã xuống cấp; các trường học thiếu phòng học và các phòng chức năng phục vụ cho việc giảng dạy, học tập; một số công trình trạm y tế, nhà văn hóa xóm, bản sau nhiều năm sử dụng đã bị xuống cấp cần phải đầu tư xây dựng.
Xác định kết cấu hạ tầng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH của địa phương, nhiệm kỳ qua, huyện Đồng Hỷ đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, để chủ trương chung đến gần với người dân, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhờ đó nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH ngày càng được nâng lên. Bên cạnh đó, huyện cũng tranh thủ các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, huy động các nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng. Lựa chọn các công trình vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phục vụ cho đời sống sinh hoạt của nhân dân để ưu tiên đầu tư. Từ đó, việc xây dựng kết cấu hạ tầng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, toàn diện.
Đến nay, huyện Đồng Hỷ đã hoàn thành quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Ngoài ra còn có quy hoạch các đô thị, khu dân cư gắn với quy hoạch xây dựng các trung tâm xã, thị trấn cùng nhiều quy hoạch chi tiết để thực hiện các dự án đầu tư. Đây chính là cơ sở, là tiền đề để thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn huyện. 5 năm qua, huyện đã tranh thủ lồng ghép, huy động các nguồn vốn từ nhiều chương trình dự án, từ đó đã huy động được gần 3 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH. Trong đó, hệ thống giao thông được từng bước đầu tư mở rộng và nâng cấp. Đồng Hỷ đã thực hiện được 22 dự án về giao thông để nâng cấp các tuyến đường trọng yếu như: Đường đô thị trại Cau; đường Linh Nham - Khe Mo - Đèo Nhâu; đường từ cầu treo Vân Khánh đi bản Tèn (Văn Lăng); xây dựng mới 3 cầu treo dân sinh… Huyện cũng đã cứng hóa được 94,3% đường huyện, 45% đường xã và trên 200km đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục xây mơi, cải tạo 19 công trình hồ đập, trạm bơm lớn; tập trung chỉ đạo các xã thực hiện cải tạo, nâng cấp các công trình hồ đập, tràn nhỏ. Nhờ đó đã nâng cao năng lực tưới tiêu, phục vụ ngày càng tốt hơn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Cùng với đó, hệ thống điện nông thôn của huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu về sản xuất và sinh hoạt của người dân do đã nâng cấp được 43 trạm biến áp, 353km đường dây trung thế và hạ thế…
Song song với việc đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, huyện Đồng Hỷ cũng đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng xã hội. Trong 5 năm, huyện đã xây dựng 5 trụ sở xã thị trấn, đến nay 18/18 xã, thị trấn đã có trụ sở làm việc là nhà cao tầng. Kết hợp nguồn vốn của dự án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên với ngân sách địa phương, huyện đã xây dựng mới 37 công trình trường học, nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia lên 52/63 trường, chiếm 82,5% tổng số trường toàn huyện. Xây dựng mới và cải tạo được 17 trạm y tế, từ đó đã cơ bản đã đáp ứng được công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn ổn định và phát triển với hệ thống chợ trung tâm, chợ nông thôn được quy hoạch xây dựng khang trang. Trong nhiệm kỳ, huyện đã xây dựng mới thêm 7 chợ. Xây dựng được 8 trung tâm văn hóa xã, 28 nhà văn hóa xóm, đưa tổng số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa được kiên cố hóa là 236/257. Ngoài ra, huyện đã đầu tư xây dựng được 6 công trình cấp nước sạch cho các xóm khó khăn ở các xã vùng cao.
Để tiếp tục thực hiện tốt việc thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, ông Phạm Kiều Hưng, Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện cho biết: Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực và công tác xã hội hóa để Nhà nước và nhân dân cùng tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, toàn diện. Từ đó, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển. Trong đó chú trọng phát triển kết cấu và đồng bộ hạ tầng giao thông nông thôn nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông, thu hút đầu tư; thực hiện hiệu quả công tác xây dựng cơ bản trên địa bàn, tăng cường hoạt động giám sát, quản lý chất lượng công trình và quản lý khai thác sử dụng công trình sau đầu tư. Chú trọng tập trung đầu tư cho các địa phương còn thiếu về cơ sở vật chất, tuân thủ theo quy hoạch giai đoạn 2016-2020.