Xóm Bến, xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên) vài năm gần đây được biết đến là địa phương có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao, đời sống nhân dân có những chuyển biến vượt bậc. Kết quả này là nhờ vào sự đổi mới tư duy, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đồng thời mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế của bà con địa phương.
Ông Nguyễn Đăng Bằng, Bí thư Chi bộ xóm Bến cho biết: Trước đây, xóm Bến là một trong những xóm nghèo của xã, đời sống người dân chỉ dựa vào cây lúa, cây ngô, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến trên 10%. Toàn xóm có trên 300 hộ, khoảng 1.200 nhân khẩu với tổng diện tích cấy lúa là trên 100ha và trên 40ha trồng màu, ngoài ra việc chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng chỉ nhỏ lẻ, mang tính chất lấy sức kéo và cải thiện bữa ăn cho các gia đình là chính. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người dân xóm Bến đã thay đổi hẳn cách nghĩ, cách làm từ việc sản xuất nông nghiệp cho đến mở rộng sang các ngành nghề khác để vực kinh tế dậy.
Nhận thức được, nguồn thu chính của người dân địa phương là trồng trọt và chăn nuôi, trong khi ngoài những khó khăn về vốn, các hộ nông dân đang rất thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật. Thế nên, xóm đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, thông qua việc mời cán bộ về tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, đã làm thay đổi từ cách nghĩ đến cách làm của bà con.
Chuyển biến rõ rệt nhất ở xóm Bến là những năm gần đây xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao, việc chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp được đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện toàn xóm có 2 trang trại chăn nuôi cùng trên 40 hộ chăn nuôi với quy mô hàng trăm… Nói đến trang trại chăn nuôi thì ở xã không ai là không biết đến trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Hòa có quy mô khoảng 40 con lợn nái và hơn 1.000 con lợn thịt. Gia đình ông Hòa trước đây cũng chỉ làm nông nghiệp và tăng gia thêm 1-2 con lợn nên đời sống cũng không mấy dư dả. Từ năm 2009, ông bắt đầu chuyển hướng hẳn sang chăn nuôi. Ban đầu, không có vốn, không có kinh nghiệm, thấy ông bắt tay xây dựng chuồng trại, đầu tư chăn nuôi ai cũng bảo ông liều. Nhưng với suy nghĩ, nếu không mạnh dạn làm thử thì sao có thể tìm được con đường đi đến thành công, ông Hòa hạ quyết tâm liều cũng phải làm. Thế là ông chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi, đồng thời tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại trong và ngoài tỉnh. Qua một thời gian chăn nuôi, ông đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm để theo đuổi ước mơ mở trang trại chăn nuôi lợn. Hiện mỗi năm ông Hòa chăn 2 lứa, mỗi lứa trên 1.200 con lợn thịt thu lãi từ 200-400 triệu đồng.
Không chỉ phát triển chăn nuôi, bà con trong xóm còn phát triển thêm nhiều ngành nghề khác như: Kinh doanh, dịch vụ, chế biến lâm sản… Một trong những mô hình mang lại thu nhập cao phải kể đến mô hình chế biến lâm sản và kinh doanh tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Bá Lưu. Với mức thu nhập 500-600 triệu đồng mỗi năm, gia đình anh là một trong những hộ giàu của xóm. Anh Lưu tâm sự: Từ nguồn vốn vay 200 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, tôi đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để mở xưởng mộc. Với mặt hàng chủ yếu là: Giường, tủ, bàn, ghế, đồ thờ… sau 10 năm trong nghề, tôi đã chiếm lĩnh được phần lớn thị trường các xã phía Tây của Thị xã. Mỗi năm tôi thực hiện gần 100 đơn hàng với doanh thu trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn kinh doanh thêm thức ăn chăn nuôi, hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Nhờ sự mạnh dạn chuyển đổi nghành nghề này, gia đình tôi không những thoát khỏi cảnh túng thiếu mà còn có của ăn của để.
Ngoài việc phát triển các mô hình kinh tế, trong sản xuất nông nghiệp, bà con xóm Bến đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào các khâu sản xuất như: Làm đất, gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh để thay thế các phương thức sản xuất truyền thống trước đây. Nhân dân trong xóm tích cực đưa các giống lúa lai, lúa chất lượng cao, các giống lúa ngắn ngày thay thế các giống lúa dài ngày, năng suất thấp trước đây. Vụ mùa năm nay, diện tích lúa lai của xóm chiếm 45%, chủ yếu là các giống lúa GS9, Thiên Ưu, Nhị Ưu. Để đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng, từ khâu làm đất, bà con đã đưa cơ giới hoá vào thay thế cách làm thủ công trước đây như: Sử dụng máy cày, bừa, máy gieo lúa bằng giàn sạ hàng. Nhờ đó, năng suất, chất lượng lúa tăng từ khoảng 100 tạ/ha/năm lên 120 tạ/ha/năm/. Cùng với việc phát triển các giống cây trồng truyền thống, nhiều hộ nông dân đưa các giống cây mới vào sản xuất, trong đó cây nấm đã trở thành cây đổi đời cho một số hộ nông dân, nhất là đối với những hộ có diện tích đất nông nghiệp ít.
Nhờ sự cần cù trong lao động, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề nên đời sống người dân xóm Bến đã được nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27 hộ năm 2010 xuống còn 14 hộ năm 2014, xuất hiện nhiều hộ khá, giàu. Có điều kiện kinh tế, người dân xóm Bến tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, nổi bật là việc đầu tư làm đường giao thông nông thôn. Hiện, xóm đã cơ bản đổ bê tông các tuyến đường xóm, trong đó 3km đã đạt các tiêu chí đường giao thông nông thôn mới.