Cần những giải pháp mang tính hệ thống để phát triển sản xuất chè an toàn

17:01, 18/08/2015

Ngày 18-8, tại Thái Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị phát triển sản xuất chè an toàn.

Các đồng chí: Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT; Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham dự có đại diện 31 tỉnh trồng chè trong cả nước.

 

Theo đánh giá tại Hội nghị, hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 thế giới. Cả nước hiện có trên 131 nghìn héc-ta chè (tăng 4,4 nghìn héc-ta so với năm 2011), trong đó diện tích chè kinh doanh là 115 nghìn héc-ta. Trong 4 năm qua, cả nước đã trồng mới và trồng thay thế được gần 22 nghìn héc-ta chè. Các tỉnh trồng mới và trồng thay thế chè nhiều là Thái Nguyên, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Thọ, Hà Giang, Lào Cai. Năng suất chè bình quân đạt 83,4 tạ/ha; tổng sản lượng chè búp tươi đạt trên 962 nghìn tấn, tăng 8,6% so với năm 2011. Về chế biến, năm 2014 đạt trên 200 nghìn tấn chè khô. Khối lượng chè xuất khẩu trong 7 tháng năm 2015 đạt 65 nghìn tấn, giá trị đạt 111 triệu USD (giảm 8,9% về khối lượng và giảm 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước). Hiện nay, trước thông tin Việt Nam sản xuất chè đạt chất lượng thấp, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, điều đó không chỉ ảnh hưởng tới việc tiêu thụ, xuất khẩu chè, giá trị của sản phẩm chè, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của ngành Chè nước ta trên thị trường thế giới… Hội nghị đã tập trung đánh giá tình hình, bàn giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè; định hướng phát triển chè an toàn. Các ý kiến phát biểu cũng đã đưa ra những kinh nghiệm làm chè an toàn trong tất cả các khâu từ trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng việc sản xuất chè sạch, an toàn hiện nay còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ. Việc sản xuất chè sạch chưa tốt là do cả hệ thống, như vậy để có sản phẩm sạch cần có những giải pháp mang tính hệ thống từ khâu giống, trồng đến chế biến chè. Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp sản xuất, kinh doanh chè một cách bền vững, hiệu quả theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân trồng chè trong việc tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại; rà soát lại các chính sách hỗ trợ sản xuất chè an toàn…

 

Tại Hội nghị phát triển sản xuất chè an toàn được tổ chức tại Thái Nguyên, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc trao đổi với Phóng viên Báo Thái Nguyên về giải pháp để sản xuất chè an toàn.

 

P.V:  Thưa Bộ trưởng! Bộ trưởng có thể cho biết,, hiện nay sản phẩm chè Việt Nam đang đứng ở vị trí nào trên thị trường thế giới?

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Việt Nam chúng ta đứng thứ năm trên thế giới về số lượng xuất khẩu chè, tuy nhiên, chất lượng chè của chúng ta chưa được đánh giá cao. Trong thang 10 điểm của thế giới thì Việt Nam mới đang ở giữa mức từ 3,5 đến 4 điểm. Điều đó cho thấy, chúng ta cần phải nỗ lực rất lớn, tập trung cao độ về việc nâng cao chất lượng thay vì chạy theo số lượng, chạy theo sản lượng để đạt giá trị cao hơn, đem lại thu nhập nhiều hơn cho những người trồng chè. Có như vậy, chúng ta mới có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và trên thị trường quốc tế.

 

P.V: Thưa Bộ trưởng! Trước thông tin sản phẩm chè không bảo đảm an toàn thực phẩm đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành Chè Việt Nam trên thị trường thế giớ, xin Bộ trưởng cho biết, để bảo đảm sản xuất chè an toàn, Thái Nguyên và các địa phương trồng chè trong cả nước cần thực hiện những giải pháp nào sản xuất chè bảo đảm  an toàn thực phẩm?

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Yêu cầu cấp thiết đang đặt ra đối với ngành chè nói chung với tỉnh Thái Nguyên nói riêng đó là nâng cao chất lượng của các loại sản phẩm chè và đặc biệt bảo đảm an toàn thực phẩm. Gần đây chúng ta có nhiều nỗ lực nhưng sự cải thiện còn chậm và đặc biệt lưu ý có một số những cảnh báo về vi phạm an toàn thực phẩm. Những biện pháp chúng ta làm thì có nhiều, nhưng biện pháp quan trọng nhất thời điểm hiện nay mà Thái Nguyên cũng như các địa phương trồng chè khác cần phải tập trung vào chỉ đạo đó là việc hướng dẫn và hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất mà cụ thể là hình thành tổ hợp tác, các hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp, trên cơ sở đó cùng nhau áp dụng các quy trình sản xuất tốt mà gọi tắt là VietGap hoặc những tiêu chuẩn tương đương. Tiến thêm một bước nữa đó là có được sự chứng nhận của các cơ quan chức năng xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu để tiêu thụ sản phẩm sản phẩm đạt giá trị cao hơn.

 

P.V: Thưa Bộ trưởng, Chính phủ cũng đã có những cơ chế chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp. Theo Bộ trưởng, cần có thêm cơ chế chính sách gì để hỗ trợ cho người sản xuất chè bảo đảm an toàn thực phẩm?

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Để hỗ trợ cho nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm cho cây chè cần phải có những chính sách mạnh mẽ. Trước mắt là thực hiện tốt các chính sách mà Chính phủ đã ban hành để khuyến khích phát triển sản xuất tốt VietGap như Quyết định số 01/2012 về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Quyết định số 62/2013 về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị với địa phương có thể ban hành những chính sách bổ sung để hỗ trợ nhân dân sản xuất chè bảo đảm an toàn thực phẩm. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ ban hành những chính sách hổ trợ bổ sung.

 

P.V: Bộ Trưởng đánh giá như thế nào về Thái Nguyên sau hai lần tổ chức Festival Trà  về việc nâng cao giá trị và thương hiệu của cây chè.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Ở Thái Nguyên, các cấp chính quyền cũng đã rất quan tâm đến phát triển chè nói chung và đặc biệt là phát triển theo hướng nâng cao chất lượng. Thái Nguyên đã có những biện pháp rất mạnh mẽ để thay đổi cơ cấu giống, áp dụng nhiều các giống chất lượng cao, nâng cao công nghệ chế biến, áp dụng quy trình sản xuất tốt, xây dựng thương hiệu. Tất cả các điều đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chè trên thị trường. Tôi thấy rằng, Thái Nguyên cũng đã có những nỗ lực nhưng cần nỗ lực theo hướng này nhiều hơn nữa.

 

P.V: Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi này!