Cầu nối để hàng Việt đến với người dân nông thôn, miền núi

08:55, 08/08/2015

16 tỷ đồng là mức doanh thu của các doanh nghiệp tại 26 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh trong gần 6 năm qua. Tuy doanh thu còn thấp, nhưng trên 500 lượt doanh nghiệp tham gia đều đã tìm hiểu được nhu cầu tiêu dùng của bà con. Đồng thời, người dân vùng nông thôn, miền núi được tiếp cận với hàng Việt chất lượng bảo đảm.

Tham gia nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, chúng tôi nhận thấy các phiên chợ đã gây được sự chú ý đặc biệt của người dân trong tỉnh. Được biết có phiên chợ bán hàng Việt Nam chất lượng cao, người dân của các xã nông thôn, miền núi hồ hởi đến từ sáng sớm, có người vượt hàng chục km đường để đến tham quan, mua sắm. Qua tìm hiểu của chúng tôi tại các phiên chợ, hàng Việt đã dần chiếm được lòng tin của người dân bởi sự đa dạng về mẫu mã, mầu sắc, chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý.

 

Tại phiên chợ ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, ông Nguyễn Quang Hiệp, ở xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh cho biết: Trước kia mỗi khi đi chợ mua quần áo cho các cháu, tôi thường chọn những sản phẩm giá rẻ, không quan tâm lắm đến nguồn gốc xuất xứ. Bởi thế, mặc một thời gian quần áo rất nhanh hỏng. Nay, tôi thường chọn quần áo do các doanh nghiệp trong nước sản xuất bởi mầu sắc, mẫu mã khá đa dạng, chất vải mềm mà giá phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

 

Còn tại phiên chợ ở xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, chúng tôi gặp bà Phạm Thị Hồng Loan đang mải mê chọn mua đồ dùng cho gia đình mình. Gia đình bà ở xóm Đồng Vung, xã Hòa Bình, biết ở xã Minh Lập có tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, bà thu xếp việc đồng để đi mua sắm. Bà cho biết: Nhà tôi ở xa, trước đây khi ra chợ, tôi chỉ quan tâm đến giá cả đắt hay rẻ hoặc đẹp hay xấu. Năm 2011, phiên chợ tổ chức ở xã Hòa Bình, tôi đã mua thử sản phẩm nước rửa bát và các đồ gia dụng từ các nhà sản xuất trong nước, giá thành cũng chấp nhận được, sau 1 thời gian sử dụng thì sản phẩm tốt. Giờ đây, khi mua hàng, tôi đều xem kỹ xuất xứ của sản phẩm và cảm thấy yên tâm nếu đó là hàng Việt Nam. Hiện tại, từ các mặt hàng dùng hằng ngày trong gia đình như: bột giặt, nước rửa bát, dầu ăn, gia vị, đồ gia dụng, giày dép, quần áo may sẵn đến giống cây trồng, dụng cụ đồ dùng phục vụ sản xuất gia đình bà đều ưu tiên chọn hàng Việt Nam.

 

Được biết, trong gần 6 năm triển khai chương trình, đã có trên 200 nghìn lượt người dân vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh đến tham quan và mua sắm tại các phiên chợ kể trên. Bên cạnh sự đón nhận của người dân, các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự quan tâm và trách nhiệm khi tham gia các phiên chợ. Ông Nguyễn Văn Hanh, chủ cơ sở sản xuất giày dép Hanh Tươi có trụ sở tại tỉnh Lạng Sơn, đã từng tham gia bán hàng tại các phiên chợ ở huyện Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai, Phú Bình cho biết: Đơn vị chúng tôi chuyên sản xuất giày dép các loại. Để bán được hàng cho bà con nông thôn, miền núi, điều tôi quan tâm trước nhất là chất lượng của sản phẩm, sau đó là mẫu mã đẹp và đương nhiên giá cả phải hợp với túi tiền của người dân.

 

Bên cạnh đó, qua các phiên chợ, đã có hàng chục doanh nghiệp tìm được đối tác phân phối sản phẩm tại các huyện nông thôn, miền núi. Là đơn vị chuyên sản xuất các mặt hàng trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm, Công ty TNHH Sinh Việt AKINO.JP có trụ sở tại khu công nghiệp Đại Đồng, Hoàn Sơn, Tiên Du tỉnh Bắc Ninh khi tham gia các phiên chợ huyện miền núi của tỉnh đã tìm được nhà phân phối sản phẩm tại Phú Lương. Anh Bùi Lê Dư, Quản lý bán hàng của Công ty cho biết: Chúng tôi luôn chú trọng đến chất lượng, giá cả của sản phẩm. Mỗi phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn ở Thái Nguyên, đơn vị thường bán được khoảng trên 500 sản phẩm gồm: Nước rửa tay, chén, lau kính, tẩy bồn vệ sinh… Chúng tôi thấy hiện nay người tiêu dùng đã chú trọng nhiều đến nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm, bà con thường xem khá kĩ thôn tin về doanh nghiệp sản xuất và nếu là sản phẩm sản xuất trong nước thì đa số người dân đồng ý mua.

 

Bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) nhận định: Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động thiết thực trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thời gian qua, cùng với việc kết nối với các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước, chúng tôi đã thực hiện tương đối tốt Chương trình này. Trong đó, các doanh nghiệp tham gia đều có sự chuẩn bị chu đáo về số lượng, chất lượng sản phẩm và công tác quảng bá. Ngoài ra, các doanh nghiệp đều xác định tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn chủ yếu là phục vụ, và quảng bá sản phẩm, nên đã đưa mức giá bán phù hợp, để hỗ trợ người dân nghèo có điều kiện mua được hàng chất lượng. Chương trình đã giúp người tiêu dùng tiếp cận và hình thành thói quen sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Đặc biệt, tại các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, các doanh nghiệp đều dành những suất quà tặng người nghèo, học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn, thiết thực tạo thêm điều kiện để người nghèo, học sinh nghèo vươn lên trong cuộc sống.