Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa

15:15, 28/08/2015

Hiện nay, diện tích lúa mùa trung đang trong giai đoạn làm đòng - trỗ, lúa mùa muộn giai đoạn đẻ nhánh rộ, cuối đẻ nhánh. Tuy nhiên, từ giữa và cuối tháng 8, thời tiết nắng nóng và mưa xen kẽ đã trở thành điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh phát sinh gây hại làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.  

Trên diện tích lúa mùa, sâu cuốn lá nhỏ nở rộ từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 với mật độ cao, diện tích bị hại khoảng 5.839ha. Rầy nâu, rầy lưng trắng cũng xuất hiện và gây hại trên trà lúa mùa sớm và mùa muộn, mật độ trung bình 200-700 con/m2, nơi cao 1.000-2.000 con/m2, cục bộ 3.500 con/m2; diện tích nhiễm 520ha, tập trung ở T.P Thái Nguyên. Trong những ngày tới, mật độ rầy tiếp tục tăng cao, khả năng gây cháy trên trà lúa mùa sớm giai đoạn chắc xanh - chín nếu không được phòng trừ kịp thời. Bệnh khô vằn cũng biến động tăng trong kỳ sinh trưởng của cây lúa, mức độ gây hại và phân bố trên diện rộng, diện tích nhiễm là 5.630ha, trong đó diện tích nhiễm nặng là 600ha.

 

Chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Hạnh, ở xóm Núi Hột, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) khi bà vừa phun thuốc trừ sâu bệnh cho lúa và được biết, vụ này gia đình bà cầy 7 sào lúa Khang dân, hầu hết diện tích này bị nhiễm sâu cuốn lá, rầy nâu nhưng ở mức độ nhẹ. Bà Nguyễn Thị Tâm, cũng ở xóm Núi Hột, vụ này cấy 9 sào lúa. Nói về tình hình sâu bệnh, bà Tâm và bà Hạnh cùng chung một ý kiến: Ở xóm này mạnh ai người đó phun. Có khi mình phun chán rồi họ mới phun thuốc phòng trừ. Vì thế, cùng một cánh đồng, có nhà phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hai lần, người thì phun một lần. Ở đây không như ở dưới xuôi, khi trưởng xóm bắc loa đài thông báo thì nông dân đồng loạt phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Vậy, các cô có muốn phun theo đại trà thế không? - tôi hỏi: Có chứ, nhưng dân người ta không phun thì mình làm sao theo được. Bây giờ phải quán triệt, có định hướng, có biện pháp nào để phổ biến cho các xóm xã, có kế hoạch để cho bà con đỡ tổn thất. Phun thuốc thế này rất là độc hại, tốn kém. Nếu mình không phun đại trà được thì ruộng người nọ, người kia bị ảnh hưởng.

 

 Ông Hứa Văn Phúc, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đồng Hỷ cho hay: Từ cuối tháng 8, rầy nâu, rầy lưng trắng đã xuất hiện và gây hại trên diện tích lúa mùa, và có khả năng gây cháy rầy trên diện tích lúa bị hạn. Chúng tôi đã ra thông báo về phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ mùa, địa phương cũng tổ chức đi kiểm tra một số xã trọng điểm trên địa bàn, đồng thời tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các xã, các hộ dân tập trung thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

 

Dự báo đầu tháng 9, sâu cuốn lá nhỏ sẽ gây hại trên diện tích lúa mùa trung và mùa muộn  ở mức độ mạnh với mật độ cao; rầy nâu, rầy lưng trắng cũng gia tăng, có khả năng gây cháy chòm trên diện tích lúa mùa sớm và gây hại trên trà mùa trung; sâu đục thân gây bông bạc trên trà mùa trung và ung đòng trên trà mùa muộn với tỷ lệ cao. Chi cục Bảo vệ Thực vật đã chỉ đạo cán bộ các phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra đồng ruộng; trạm bảo vệ thực vật các huyện thành, thị xã thường xuyên kiểm tra tình hình, đồng thời hướng dẫn để nông dân chủ động kiểm tra đồng ruộng và thực hiện các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn kịp thời, hiệu quả...