Nhà làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND và các tổ chức đoàn thể của xã Ký Phú (Đại Từ) nằm khiêm nhường dưới bóng phượng vĩ. Thỉnh thoảng có chú ve cất lời lạc điệu cùng bông phượng nở muộn mùa, gợi cảm giác thanh bình. Nhờ có bóng cây xanh, nên giữa những ngày tháng Tám, ngoài trời nắng như có lửa hun, nhưng các phòng làm việc của xã... lúc nào cũng mát. Anh Ngô Văn Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy xã nói vui: Đó là cỗ máy điều hòa khổng lồ mà ít cơ quan Nhà nước nào có được.
Chuyện trồng cây lấy bóng mát; chuyện đời người tràn đầy niềm hân hoan như nước mạch nguồn từ núi Tam Đảo, tụ lại thành dòng suối Cái, đi qua xã, rồi vội vã hòa vào hồ Núi Cốc huyền thoại. Tôi nhẹ đặt bước chân mình vào dòng nước, cảm nhận sự mát lành của tự nhiên, lòng ngộ rằng dòng nước chảy xuôi mang theo những cổ tích, còn lại với bến bờ là sỏi cuội và cát trắng. Nhưng tôi biết, từ những năm gần đây, những sỏi cuội, cát trắng bấy nay như vật vô dụng nằm im lìm trong lòng nước đã trở nên có giá trị thật sự khi người dân địa phương biết khai thác phục vụ cho các công trình xây dựng. Anh Hiền cho biết thêm: Nhờ nguồn vật liệu xây dựng sẵn có, nên khi triển khai xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, như nhà làm việc, trường học, trạm y tế, đường bê tông dân sinh... giá thành xây dựng cho công trình hạ hơn rất nhiều so với địa phương khác.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, anh Nguyễn Văn Quân đưa tôi về các xóm: Gió, Cả, Cạn, Duyên, Giữa, Suối, Soi, và 3 xóm Đặn, tôi phát hiện một nét đặc biệt,10 xóm của xã Ký Phú, tên xóm chỉ có 1 chữ, rất dân dã, mộc mạc, gần gũi và dễ nhớ.
Đi trên từng trục đường bê tông sạch đẹp, ngắm những ngôi nhà xây 2 tầng khang trang còn mới màu sơn, chợt thấy lòng vui lây. Chỉ trong thời gian từ năm 2010 đến nay, bằng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng kết cấu hạ tầng, quê hương Ký Phú đã có thêm nhiều công trình mới được xây dựng, đưa vào phục vụ, như: Trường Mầm non; đập Măng Tin; đường tràn Vai Mừa, kênh mương dẫn nước tưới nội đồng; đường bê tông; nhà văn hóa xã và công trình Nhà lớp học 3 tầng Trường Tiểu học Ký Phú và rất nhiều công trình xây dựng khác được xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng, với tổng vốn đầu tư ước đạt 31,4 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 2,2 tỉ đồng. Hiện công trình đường tràn liên hợp qua khúc suối Cái cũng đang được đơn vị thi công khẩn trương xây dựng hoàn thiện, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong dịp cuối tháng 8 năm nay. Công trình đường tràn này sẽ rút ngắn được khoảng cách của nhân dân xóm Dứa, xóm Cả và xóm Đặn 2 với trung tâm xã.
Ông Lê Văn Bính, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã tự hào: Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn xã liên tục có các công trình xây dựng được khởi công, hầu hết các công trình đều có sự tham gia đóng góp của nhân dân. Do tuyên truyền, vận động tốt, nên những hộ nằm trong quy hoạch xây dựng đều tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi tiền đền bù. Trong 5 năm, nhân dân trong xã đã hiến gần 17.737m2 đất, trong đó có gần 6.830m2 đất thổ cư và gần 10.907m2 đất khác, 5.275 mét tường rào phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Cũng trong 5 năm vừa qua, nhân dân xã Kỹ Phú tham gia đóng góp được hàng nghìn ngày công lao động và hàng trăm triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp 12km đường bê tông; làm mới hơn 16 km đường bê tông, trong đó năm 2014 làm mới được 8,3 km đường bê tông, 6 tháng đầu năm 2015 làm mới được hơn 8 km đường bê tông về các xóm Cạn, Giữa, Gió, Chuối...
Bên trục đường bê tông về xóm Chuối, cụ Lê Văn Giảng, 87 tuổi cho biết: Việc xóm mở rộng mặt đường để đổ bê tông, đoạn qua nhà, tôi hiến 120m2. Ngoài ra, tôi còn động viên con cháu, người thân trong dòng họ sẵn sàng hiến đất để Nhà nước làm đường hoặc xây dựng các công trình phúc lợi. Vì đó là những công trình mang lợi lợi ích cho chính người dân chúng tôi. Cụ Vũ Đình Tái, xóm Duyên cho biết thêm: Hiện 10 xóm của xã đều đã có đường giao thông, nhưng nhân dân chúng tôi mong Nhà nước tiếp tục cấp xi măng để nhân dân đóng góp tiền, công sức lao động đối ứng làm đường bê tông về các ngõ nhỏ của xóm và đường sản xuất.
Bằng sức mạnh đoàn kết, cán bộ, nhân dân xã Ký Phú đã đồng lòng, chung sức làm đổi thay diện mạo quê hương mình. Về đây, tôi tận mắt chứng kiến một nhịp sống sôi động, hối hả bới chính những người dân xã Ký Phú. Anh Hiền cho chúng tôi biết thêm: Ngoài sản xuất nông, lâm nghiệp, hiện trên địa bàn xã có 6 cơ sở sản xuất chế biến gỗ nan, gỗ bóc; 25 cơ sở gia công cơ khí, nhôm kính, sản xuất vật liệu xây dựng; 47 hộ đầu tư mua xe ô tô vận tải; 8 hộ đầu tư mua máy xúc và hàng trăm hộ có máy gặt đập liên hợp, máy cày bừa làm dịch vụ (Xã có 2.061 hộ, 7.325 nhân khẩu). Năm 2014, tổng thu của những hộ làm dịch vụ này đạt 17,2 tỉ đồng.
Vừa lúc mặt trời xuống núi, chúng tôi trở về qua đường xóm Đặn 3, khi ấy ánh đèn đường bật sáng, khiến ai nấy cảm nhận như mình đang đi giữa phố thị. Ông Ngô Văn Minh, Trưởng xóm Đặn 3 cho biết: Sau khi làm hoàn thành đường bê tông dọc xóm, nhân dân chúng tôi lại cùng nhau đóng góp lắp đặt hệ thống đèn đường, nên người dân không chỉ đi lại thuận lợi, mà an ninh trật tự cũng được bảo đảm hơn...
Trên suốt dọc đường từ Ký Phú trở về, dù đã tối muộn, song tôi thấy lòng nhẹ nhõm, ấm áp vì vừa trải hết một ngày trên vùng quê kề chân núi Tam Đảo, song không còn là vùng đất xa ngái của huyện Đại Từ như ít năm trước đây.