Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó trước biến động tỷ giá

08:30, 16/08/2015

Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, từ ngày 11 đến ngày 14-8, sau ba ngày đồng nhân dân tệ (NDT) Trung Quốc phá giá, tổng kim ngạch xuất khẩu tại đây giảm mạnh, chỉ đạt 867 nghìn USD, trong khi đó nhập khẩu tăng vọt, gấp hơn ba lần, đạt 3,2 triệu USD. Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp tại TP Lào Cai cho biết, tỷ giá NDT bán ra sụt giảm so với đồng Việt Nam (VNĐ), khiến hàng trăm doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản lao đao.

Gạo “bay hơi” hơn 300 nghìn đồng/tấn

 

 

Bảy tháng qua, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong số hơn 3,7 triệu tấn gạo đã xuất khẩu, riêng Trung Quốc chiếm hơn 38%. Trung Quốc cũng dẫn đầu trong số các nước nhập khẩu mặt hàng cao-su, với hơn 25% sản lượng. Tương tự, hạt điều Trung Quốc nhập khẩu chiếm khoảng 13%, mặt hàng sắn nhập khẩu tới gần 90% trên tổng số gần 2,9 triệu tấn. Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu gạo cho biết, bên cạnh nhập khẩu chính ngạch, Trung Quốc còn tiêu thụ một lượng tương đối lớn (khoảng hai đến ba triệu tấn) qua đường tiểu ngạch. Do vậy, việc Trung Quốc phá giá NDT sẽ dẫn tới nguy cơ giảm sản lượng xuất khẩu gạo của nước ta vào thị trường này. Hiện tại, giá gạo thơm đang xuất khẩu (chính ngạch) sang Trung Quốc là 580 USD/tấn. Với mức tỷ giá mới ngày 13-8, (1 USD = 6,4010 NDT), DN nhập khẩu TQ phải bỏ ra đến 3.720 NDT mỗi tấn gạo thơm, tăng hơn 170 NDT so với trước khi đồng NDT giảm giá. Do phải mua gạo Việt Nam với giá cao, DN nhập khẩu Trung Quốc buộc phải bán giá cao hơn để bảo đảm lợi nhuận. Nhiều DN tham gia xuất khẩu gạo tiểu ngạch với Trung Quốc nhận định, đang có hiện tượng phía Trung Quốc ép DN xuất khẩu phải giảm giá gạo, dù hợp đồng đã ký. Nếu không chịu giảm giá, DN phía Trung Quốc sẽ tìm mọi cách, viện đủ lý do không nhận hàng hoặc chỉ nhập một phần hợp đồng.

 

Sáng 14-8, chúng tôi có mặt tại Công ty Xuân Phát, một DN xuất khẩu gạo đóng tại Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải (TP Lào Cai). Trong kho chứa gạo được xây dựng bài bản, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, rộng hàng nghìn m2, xe ô-tô tải cỡ lớn liên tục ra vào bốc xếp hàng chở ra lối mở Bản Quẩn giao hàng cho đối tác phía Trung Quốc theo hợp đồng đã ký. Không khí làm việc hết sức sôi động, nhộn nhịp, còn nét mặt của bà Đào Thị Quỳnh Lưu, Giám đốc công ty buồn như đưa đám. Bởi gạo xuất khẩu càng thuận lợi, đồng nghĩa lợi nhuận của công ty càng sụt giảm. Bà Lưu nói: Ngày hôm nay, chắc chắn công ty lại “bay hơi” hơn 100 triệu đồng nữa do đồng NDT bị phá giá. Trước ngày 11-8 (khi đồng NDT chưa bị phá giá), Công ty Xuân Phát xuất khẩu một tấn gạo miền nam loại phổ thông cho đối tác Trung Quốc có giá 3.300 NDT, quy đổi ra tiền Việt, với tỷ giá 1 NDT “ăn” 3.500 đồng (làm tròn) thu về khoảng 11,6 triệu đồng, nhưng ngày 14-8, đồng NDT sụt giá, quy đổi với tỷ giá 1 NDT “ăn” 3.400 đồng, chỉ còn thu về được 11,3 triệu đồng. Như vậy, mỗi tấn gạo xuất sang Trung Quốc, Công ty Xuân Phát “hao” mất 300 nghìn đồng. Trong ngày 14-8, công ty xuất khẩu 400 tấn gạo, tổng cộng bị “bay hơi” mất 120 triệu đồng. “Như mất cắp!” – bà Quỳnh Lưu than thở –“Mỗi ngày mất hàng trăm triệu đồng do NDT phá giá, khiến DN chúng tôi lao đao”. Theo bà Lưu, thiệt hại nặng nhất ở phần tiền hàng đã giao cho đối tác Trung Quốc nhưng vẫn chưa thanh toán. Hiện Công ty Xuân Phát còn tồn tiền hàng ở phía đối tác Trung Quốc khoảng 5,6 triệu NDT (tương đương 20 tỷ đồng). Với tỷ giá hiện nay, khi đối tác Trung Quốc thanh toán (hợp đồng ký giữa hai bên thanh toán bằng NDT), thì Công ty Xuân Phát “mất đứt” gần 600 triệu đồng. “Chúng tôi đang lo lắng, không biết đồng NDT của Trung Quốc còn phá giá tới mức nào và kéo dài trong bao lâu? Nếu tỷ giá sụt giảm mạnh hơn nữa, chắc chắn DN rất khó cầm cự, không chừng phá sản” - bà Lưu nói.

 

Tại Công ty Thành Phát, ở Khu công nghiệp Đông Phố Mới (TP Lào Cai), Giám đốc Nguyễn Văn Thế cho biết, Thành Phát chuyên xuất khẩu mặt hàng đường kính trắng sang Trung Quốc. Hiện công ty thực hiện hợp đồng bán hàng trăm tấn đường cho một đối tác Trung Quốc, với giá 3.700 NDT/tấn. Do tỷ giá thay đổi theo hướng bất lợi, hiện mỗi tấn đường, công ty “gánh lỗ” khoảng 500 nghìn đồng.

 

Ứng phó thế nào ?

 

Làm việc với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp TP Lào Cai, ông Trần Văn Kiên, Phó Giám đốc Chi nhánh lý giải: Kể từ ngày 11-8, khi Trung Quốc phá giá NDT so với USD, Chi nhánh đã điều chỉnh bán ra (đồng NDT) giảm đi, một tệ bằng 3.450 đồng (ngày 10-8, tỷ giá một tệ bằng 3.510 đồng). Khi tỷ giá NDT sụt giảm, DN nhập khẩu hàng Trung Quốc sẽ có lợi, vì mua được hàng Trung Quốc với giá rẻ; còn DN xuất khẩu hàng sang Trung Quốc sẽ gặp thua thiệt, do phải mua hàng xuất khẩu với giá cao. Đặc biệt, nếu DN đã giao hàng cho phía Trung Quốc, nhưng vẫn còn nợ đọng chưa thanh toán (thỏa thuận thanh toán bằng NDT) thì thiệt hại sẽ lớn.

 

Đại diện Sở Công thương tỉnh Lào Cai cho biết, trên địa bàn hiện có 270 DN hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó 140 DN có trụ sở tại Lào Cai. Đa số DN xuất nhập khẩu trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ, rất ít DN lớn. Hoạt động xuất khẩu tập trung vào các mặt hàng nông sản như: gạo, đường kính, ngô hạt, sắn lát khô, gỗ lạng từ rừng trồng, quặng,… được thực hiện qua đường tiểu ngạch, biên mậu, do đó chủ yếu thỏa thuận thanh toán bằng NDT. Đây là điểm bất lợi lớn của các DN hoạt động xuất khẩu nông sản ở Lào Cai khi tỷ giá NDT sụt giảm. Theo ông Nguyễn Quyết Chiến, Chi cục trưởng Hải quan quốc tế Lào Cai, đa số các DN tại Lào Cai chỉ hoạt động “một chiều”: xuất khẩu hoặc nhập khẩu, ít có DN kinh doanh “hai chiều”: xuất và nhập tương đương nhau.

 

Theo thống kê, từ ngày 11-8 đến ngày 14-8, tổng kim ngạch xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai giảm sút, chỉ đạt 867 nghìn USD; trong khi đó, nhập khẩu tăng rất mạnh, gấp hơn ba lần, đạt 3,2 triệu USD. “Nếu DN hoạt động cả hai chiều, xuất khẩu và nhập khẩu tương đương thì sẽ bảo đảm tính cân bằng, sức “đề kháng” tốt hơn, hạn chế thiệt hại, rủi ro khi tỷ giá biến động mạnh” - ông Chiến nhận định. Thực tế ở Lào Cai, doanh nghiệp hoạt động “hai chiều” chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Công ty Thành Phát ở Khu công nghiệp Đông Phố Mới, thực hiện xuất khẩu đường kính, đồng thời nhập khẩu phân bón cung cấp cho thị trường nông thôn khu vực miền bắc và miền trung. Nhờ cân đối xuất – nhập, bù đắp lợi nhuận và thiệt hại, nên Thành Phát đã giảm thiểu được tình trạng “tiền bốc hơi”.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng, để ứng phó hiệu quả với tình hình xuất khẩu nông sản gặp khó khăn do biến động tỷ giá mạnh, tỉnh Lào Cai sẽ tăng cường rà soát, cải tiến, rút gọn các quy định, thủ tục hành chính; đặc biệt trong khâu thông quan, kiểm dịch, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhằm tạo thuận lợi tối đa, tiết giảm chi phí và thời gian cho các DN. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin kịp thời tỷ giá, diễn biến thị trường và giá cả xuất khẩu nông sản để giúp DN chủ động nắm bắt, đưa ra quyết định kinh doanh hợp lý. Phía DN cũng cần nắm chắc thị trường, mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu để tái cơ cấu hoạt động kinh doanh. Mặt khác, cần tăng cường ký kết hợp đồng kinh tế có thỏa thuận thanh toán bằng VNĐ; thương lượng, đàm phán với đối tác về chia sẻ rủi ro do những biến động chính sách vĩ mô, hoặc có hình thức bảo hiểm khác, nhằm phòng ngừa và hạn chế thấp nhất thiệt hại do biến động tỷ giá đồng NDT như mấy ngày qua.