Trong nắng vàng rực rỡ, xóm Đặn 1, xã Ký Phú (Đại Từ) hiện lên đầy thơ mộng với ruộng lúa, bãi mía, vườn cây; với những ngôi nhà xây khang trang mọc lên san sát… Điều làm chúng tôi thắc mắc là ở vùng quê thuần nông này, người dân đã phát triển kinh tế như thế nào để có thu nhập bình quân đầu người đạt tới 40 triệu đồng/người/năm, cao gấp đôi so mức thu nhập bình quân chung của xã?
Định hướng phù hợp
Chúng tôi đã có ngay câu trả lời khi trò chuyện cùng Trưởng xóm Nguyễn Văn Tứ. Đưa chúng tôi đi thăm cách đồng mía tím trải dài từ đồng trên xuống đồng dưới, anh Tứ cho hay: Đây chính là loại cây giúp người dân xóm Đặn 1 làm giàu. Theo chia sẻ của anh Tứ, cây mía tím đã được trồng trên đồng đất xóm Đặn 1 từ hơn 20 năm trước nhưng phải đến năm 2010 mới được nhân rộng trên địa bàn xóm. Hiện, xóm có 20ha đất nông nghiệp thì có tới 5ha trồng mía. Hộ trồng cây mía tím nhiều nhất xóm (1,5 mẫu) là gia đình anh Nguyễn Văn Lâm.
Nhiều năm gắn bó với cây mía tím nên anh Lâm rất có kinh nghiệm chăm bón loại cây này. Anh cho biết: Trồng các loại cây khác phải đầu tư nhiều công sức, giá cả lại bấp bênh. Trồng mía tím không bận rộn như cấy lúa, trồng màu mà chỉ vất vả khâu làm đất, xuống giống. Khi nảy mầm thì phải tháo cạn nước để mầm mía không bị ngập úng. Khi dóng mía lên cao thì cứ 15 ngày tỉa bóc bẹ lá 1 lần ... Cũng giống như các gia đình khác trong xóm, cứ vào tháng Chạp hằng năm là gia đình anh Lâm bắt đầu tiến hành làm đất xuống giống. Nhờ chăm sóc cẩn thận nên đến kỳ thu hoạch (10 tháng sau), cây mía tím rất ngọt, dóng to, đốt dài, màu đẹp nên dễ tiêu thụ. Trung bình 1 sào mía, anh thu từ 12 đến 16 triệu đồng. Thậm chí nếu chăm sóc, tốt, gia đình anh thu nhập tới 20 triệu đồng/sào. Trừ chi phí như giống, phân bón… (khoảng 2 đến 3 triệu đồng/sào), mỗi năm, gia đình anh thu lãi từ 120 đến 180 triệu đồng. Thu nhập từ cây mía tím đã giúp gia đình anh tích luỹ được tiền để mua 3 chiếc ô tô tải về phục vụ vận chuyển hàng hoá cho bà con trong xã; đầu tư máy xay xát, máy tuốt lúa làm dịch vụ... Anh Lâm và các hộ trồng mía tím trong xóm đều có chung nhận định: Trồng mía tím cho thu nhập cao gấp hai, ba lần so với trồng lúa. Bởi vậy, xóm Đặn 1 hiện có 110 hộ dân thì có tới gần 40 hộ trồng mía.
Không chỉ xác định được cây trồng mũi nhọn ở xóm Đặn 1, các gia đình còn rất quan tâm tới việc định hướng nghề nghiệp cho con em mình. Ngay sau khi tốt nghiệp THPT, lớp trẻ thường được bố mẹ khuyến khích, tạo điều kiện cho đi học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh. Có bằng tốt nghiệp, các em được nhận vào làm việc ở một số nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh hoặc những khu công nghiệp ở Hà Nội, Vĩnh Phúc… nên thu nhập khá ổn định (khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng). Hằng tháng, các em đều gửi tiền về phụ giúp gia đình. Hiện, xóm có gần vài chục người đi làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Anh Ngô Văn Bản, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Mỗi gia đình trung bình có 4 nhân khẩu (gồm bố, mẹ và 2 con). Nếu các con không có nghề nghiệp, đều làm ruộng thì phần đất của bố, mẹ sẽ bị chia nhỏ ra và thu nhập từ làm nông nghiệp sẽ không cao bằng đi làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp. Ngoài ra, để có thêm thu nhập, vào thời điểm nông nhàn, hằng trăm lao động khác của xóm thường đi làm thêm như thợ xây; buôn bán tại các chợ ở trong huyện… nên cũng có thêm thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng…
Những điều mong đợi
Không có nhiều tiềm năng, nhưng người dân ở vùng quê thuần nông này đã có cách nghĩ, cách làm sáng tạo để nâng cao thu nhập cho gia đình, nhất là việc chuyển đổi giống cây trồng; định hướng nghề nghiệp cho con em mình… Dù vậy, người dân nơi đây vẫn còn không ít trăn trở. Những năm gần đây, cây mía tím đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân trong xóm. Tuy nhiên do không chủ động được đầu ra cho sản phẩm nên đến mùa thu hoạch, giá cả thị trường vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Mô hình trồng mía tím là hướng đi hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xóm Đặn 1 nhưng bà con vẫn mạnh ai nấy trồng, chưa có sự liên kết với nhau trong sản xuất cũng như tiêu thụ. Theo anh Ngô Văn Bản, đây chính là lý do khiến nhiều hộ dân trong xóm chưa mạnh dạn mở rộng diện tích trồng mía. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm đến thị trường tiêu thụ sản phẩm để bà con yên tâm đầu tư mở rộng diện tích trồng mía.
Xóm Đặn 1 hiện vẫn còn 15ha đất sản xuất nông nghiệp. Diện tích này chủ yếu cấy 2 vụ lúa, trồng 1 vụ màu nên hiệu quả kinh tế đạt được chưa cao, chưa thể giúp người dân làm giàu. Với lợi thế là đất đai bằng phẳng, khá màu mỡ, người dân có trình độ thâm canh cao nên bà con rất mong các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án lớn ở địa phương, đặc biệt là dự án sản xuất rau công nghệ cao phục vụ các khu công nghiệp như Núi Pháo, Sam Sung… Từ đó sẽ giúp người dân có thu nhập ổn định, bền vững.