Đã 32 năm trôi qua kể từ ngày những hộ dân đầu tiên ở xã Tân Phú (T.X Phổ Yên) lên khai hoang, làm kinh tế mới, hình thành nên xóm Tân Thành, xã Thành Công. Từ những vất vả, thiếu thốn ban đầu, đến nay, bằng bàn tay, sức lao động không mệt mỏi, họ đã và đang thu “trái ngọt” từ những rừng keo xanh mướt, từng đồi chè bát úp trải dài…
Xóm Tân Thành nằm ở cuối xã Thành Công, giáp với xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) và dãy núi Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Xóm có 85 hộ với trên 300 nhân khẩu nhưng diện tích đất tự nhiên lên tới trên 350ha nên là địa bàn người dân sở hữu nhiều đất nhất trong xã. Nhân dân trong xóm sống thưa thớt, phân bố rải rác ở 3 vùng: Động 1, Động 2 và Đát Kẹn. Với đặc thù đất đai không bằng phẳng, chủ yếu là đất đồi, đá sỏi trên cao và một số cách xa nguồn nước nên bà con không cấy lúa mà chủ yếu trồng chè và rừng (cả xóm hiện có hơn 320ha rừng trồng và 27ha chè). Cho xe chạy từ chân đèo Nhe vào khu vực Động 2, chúng tôi được tận hưởng không khí trong lành khác hẳn với tiết trời nắng nóng, oi bức cuối hè. Gia đình đầu tiên chúng tôi tới là hộ anh Nguyễn Văn Nguyên - người có diện tích rừng nhiều nhất xóm. Anh Nguyên là con trai cụ Nguyễn Văn Chín (thường gọi là Chín Sừng - cụ đã mất cách đây mấy năm), người đầu tiên đặt chân khai phá miền đất này.
Nhà anh Nguyên nằm trên một quả đồi rộng. Phía trước, hơn 6 sào ao vừa được san bằng, đào sâu, kè cẩn thận xung quanh để thả lứa cá đầu tiên. Theo chân anh Nguyên lên phía sau nhà, chúng tôi ngút mắt với từng vạt rừng keo xanh tốt 3 năm tuổi bao quanh các quả đồi ở Động 2, tổng cộng 27ha đều là đất trồng rừng của gia đình anh. Rải rác các năm, khi keo tầm 6-8 tuổi, anh đã khai thác được 20ha keo (giá bán trung bình mỗi ha là trên 50 triệu đồng). Còn diện tích keo bây giờ chủ yếu là từ 1-3 tuổi, anh mới trồng gối sau thu hoạch. Ngoài làm rừng, vợ chồng anh còn nuôi 10 con trâu, bò, vài con lợn thịt và chăm gần 1 mẫu chè. Từ các nguồn kể trên, gia đình nông dân này có thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Anh Nguyên nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên vùng đất này: Khoảng đầu năm 1980, ba anh chị em tôi theo cha mẹ từ bên xã Phúc Thuận sang đây khai hoang. Khi ấy, khu vực này không có người sinh sống, hoàn toàn là rừng nguyên sinh, đường đi lại nhỏ hẹp, cỏ mọc cao ngang thân người. Chúng tôi phải chặt cây, bóc vỏ cây làm tấm lợp dựng nhà ở tạm. Rồi bố mẹ cùng các con không kể sớm tối phát cỏ, đào hố trồng những luống chè, sắn đầu tiên.
Năm 1983, tỉnh có chủ trương di dân đến các vùng làm kinh tế mới, khi ấy 38 hộ dân ở xã Tân Phú (Phổ Yên) đã lên đây, hình thành xóm mới với tên gọi Tân Thành. Mỗi nhà khi ấy được phát 5kg gạo ăn, một ít giấy dầu để lợp mái nhà. Vượt qua khó khăn ban đầu giữa rừng rậm hoang vu, mọi người trong xóm cùng bắt tay vào làm kinh tế, ban đầu là trồng sắn, chè hạt dưới những tán rừng nguyên sinh.
Ông Hoàng Quốc Việt, người dân trong xóm kể lại: Năm 1986, bà con được giao đất, giao rừng theo chủ trương của Nhà nước. Ai cũng phấn khởi, bắt đầu chăm sóc, trồng cây gây rừng theo các chương trình, dự án như: PAM, 327, 661, 117… Bàn tay cần cù và sức lao động không mệt mỏi của người dân đã đánh thức tiềm năng vùng đất mới. Qua từng năm, nhờ linh hoạt chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả mà thu nhập của người dân dần ổn định, cuộc sống đã bớt nghèo, bớt khó. Những dốc đồi cao hay, sườn núi đã dần phủ kín những hàng chè, sắn, keo. Người dân đều hiểu được giá trị của rừng với việc điều hòa nguồn nước và cho nguồn thu kinh tế đáng kể hàng năm, bởi vậy họ chăm sóc và gìn giữ để những tán rừng luôn xanh tốt. - Anh Ngô Thượng Chiến, Trưởng xóm Tân Thành vui vẻ nói với chúng tôi như thế.
Tháng 10-1991, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 1 trường học mầm non phục vụ con em trên địa bàn xóm Tân Thành, chấm dứt cảnh trẻ em trong xóm muốn đi học phải ra tận trung tâm xã cách đó hơn 10km. Năm 1998, Nhà nước và nhân dân cùng mở đường từ chân đèo Nhe đến Động 2 dài 4km thay thế con đường nhỏ hẹp, cỏ rậm um tùm trước đây. Năm 2002, lần đầu tiên người dân trong xóm được sử dụng điện lưới Quốc gia thay cho đèn dầu. Và niềm vui lớn nhất với người dân Tân Thành là năm 2010, được Nhà nước đầu tư, nhân dân đã đồng thuận đối ứng 30% để làm tuyến đường bê tông dài 3,6km từ đèo Nhe vào trung tâm xóm. Vậy là hàng ngày ngược, xuôi trên những con dốc cao ngoằn ngoèo khắp xóm, trẻ em không phải xắn quần áo tới tận gối, tránh từng tảng đá to và lựa qua những đoạn đất sét trơn nhoét vào mùa mưa để đến lớp học nữa. Có đường bê tông, nông sản của bà con không còn chịu cảnh bị tư thương ép giá; việc vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng nhà của người dân cũng không còn vất vả như trước.
Anh Ngô Thượng Chiến cho biết thêm, những năm qua, thông qua các chương trình vay vốn cho hộ nghèo, cận nghèo, vốn hỗ trợ học sinh, sinh viên và vốn nước sạch vệ sinh môi trường… của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với dư nợ hiện nay lên tới trên 1,1 tỷ đồng, bà con đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Từ trồng chè, rừng và chăn nuôi, nhiều hộ đã thoát nghèo, có kinh tế khá. Năm 2011, xóm Tân Thành được UBND tỉnh công nhận là làng nghề chè truyền thống. Với giá bán trung bình 80.000-200.000 đồng/kg chè búp khô, mỗi sào một năm thu được trên 1 tạ chè búp khô, mỗi hộ cũng có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm từ chè. Anh Chiến nhẩm tính, 100% hộ trong xóm hiện nay đều làm kinh tế từ rừng và chè, có thu nhập ổn định. Hộ ít cũng có vài sào, hộ nhiều lên tới gần 2 mẫu chè và từ 0,5ha đến 27ha rừng. Xóm chỉ còn 15 hộ nghèo (trước năm 2010, ở đây có tới 60,70% là hộ nghèo). Những mô hình làm kinh tế giỏi trong xóm Tân Thành có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm giờ không còn hiếm như: anh Nguyễn Quang Thiều, thoát nghèo năm 2011 từ mô hình trồng chè trên 1 mẫu và 3ha rừng keo. Gia đình anh đã xây dựng được nhà khang trang, sắm đầy đủ các trang thiết bị cần thiết. Hay gia đình anh Dương Văn Thao, với 1,2 mẫu chè và gần 3ha rừng; anh Nguyễn Văn Nguyên có 27ha rừng và hơn 1 mẫu chè; hộ chị Trần Thị Thức có 5 sào chè cành, 3ha rừng; anh Ngô Thượng Chiến, sở hữu 4ha keo và trên 1 mẫu chè…
32 năm qua, vùng kinh tế mới Tân Thành hôm nay dù chưa hoàn toàn là “hoa thơm trái ngọt” song cũng có nhiều khởi sắc. Kinh tế khá, nhiều gia đình trong xóm đã mua sắm được xe máy, ô tô tải để đi lại thuận tiện cũng như chuyên chở hàng hóa. Nhiều ngôi nhà mái ngói mới đỏ tươi khang trang ẩn hiện giữa màu xanh đồi rừng. Trong xóm đã có 11 cháu thi đỗ và học cao đẳng, đại học. Tình hình an ninh trật tự của xóm được giữ vững. Hàng năm, có 70-80% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa… Bà con nơi đây chỉ còn trăn trở là xóm chưa có nhà văn hóa, hiện sinh hoạt tập trung vẫn mượn nhờ phòng học. Đồng thời, nguồn điện ở đây rất yếu, hệ thống dây điện cũ và không đảm bảo an toàn nên ảnh hưởng đến chất lượng làm chè và đời sống sinh hoạt của bà con, nhất là trong mùa mưa bão.
Một ngày ở Tân Thành chưa phải là nhiều nhưng cũng cho tôi những trải nghiệm thú vị. Thư thái tâm hồn, hòa mình vào trong thiên nhiên, được lên đồi hái chè cùng người dân, thả bộ giữa rừng keo xanh mướt, giữa bát ngát sim mua tím ngắt, được chuyện trò cùng người dân hồn hậu, ăn bữa cơm giản dị có rau rừng, bi chuối… với tôi đó là hạnh phúc.