Xác định phong trào giúp nhau phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) đã tập trung hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu ở địa phương. Nhờ vậy, nhiều gia đình hội viên phụ nữ đã có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Chị Nguyễn Thị Thuỷ, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đình Cả cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ thị trấn đã đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo chị em tham gia. Đặc biệt là phong trào vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, cùng nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Thực hiện phong trào thi đua phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm, Hội đã chỉ đạo các chi hội thống kê danh sách và tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng hộ nghèo trên địa bàn, từ đó lập kế hoạch giúp đỡ theo hướng phù hợp với điều kiện của từng hộ. Từ năm 2011 đến nay, đã có 44 gia đình hội viên phụ nữ ở thị trấn vươn lên thoát nghèo, đưa số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ trên địa bàn giảm xuống còn 23 hộ.
Đình Cả là một thị trấn thuộc huyện vùng cao Võ Nhai với đa số các hội viên sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Do vậy, hội viên phụ nữ rất cần có sự hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển kinh tế như: chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán, phát triển nghề phụ... Nắm bắt được điều đó, Hội LHPN thị trấn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện làm tốt công tác cho vay vốn đúng đối tượng, quy trình. Hội hiện đang quản lý trên 3 tỷ đồng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho 100 hộ vay. Cùng với đó, 11 mô hình tiết kiệm theo gương Bác và 4 câu lạc bộ nuôi lợn tiết kiệm cũng là một kênh hiệu quả để giúp chị em phụ nữ thị trấn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Tính đến nay, 15 mô hình này của Hội LHPN thị trấn đã tiết kiệm được hơn 620 triệu đồng cho 178 lượt hội viên vay.
Bên cạnh việc hỗ trợ về nguồn vốn, Hội LHPN thị trấn Đình Cả đã chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, Hội đã tổ chức được 3 lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa cải tiến, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và nuôi trồng thuỷ sản cho 134 lượt hội viên; tổ chức lớp dạy nghề nuôi ong cho 35 hội viên; lồng ghép tuyên truyền cách phòng bệnh dịch cho đàn gia súc, gia cầm…
Từ những sự hỗ trợ đó, nhiều ra đình hội viên phụ nữ đã tìm được hướng đi đúng đắn để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như gia đình chị Vũ Thị Luyến ở phố Đình Cả. Những năm trước đây, gia đình chị gặp nhiều khó khăn do không có đất sản xuất, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào nghề làm bún. Tuy nhiên, do sản xuất thủ công nên năng suất lao động thấp. Đầu năm 2012, được sự động viên của các chị em trong Chi hội Phụ nữ, chị Luyến mạnh dạn vay 30 triệu đồng đầu tư dàn máy sản xuất bún sạch. Từ đó, năng suất lao động của gia đình chị đã tăng lên nhiều lần, số lượng bún sản xuất ra tăng gấp 4 lần so với trước đây, sản phẩm bún sạch của gia đình chị luôn được thị trường ưa chuộng. Cuối năm 2012, gia đình chị Luyến đã được ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. Hiện nay, gia đình chị thu lãi hơn 120 triệu/năm nhờ nghề sản xuất bún.
Cũng sống ở khu vực trung tâm thị trấn, nhưng chị Cao Thị Hằng ở phố Thái Long lại chọn chăn nuôi là hướng để phát triển kinh tế gia đình. Trong một lần tham dự lớp tập huấn chăn nuôi do Hội LHPN thị trấn tổ chức, chị Hằng biết đến mô hình chăn nuôi tổng hợp và quyết định áp dụng tại gia đình mình. Từ hơn 600m2 đất vườn của gia đình, chị Hằng đầu tư xây dựng chuồng trại khéo kín nuôi các loại: chim bồ câu Pháp, ngan, gà chọi và lợn rừng. Ngoài ra chị còn trồng hơn 20 gốc nhãn, 10 gốc bưởi Diễn. Hiện, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị đang cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Có thể nói, với việc tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các kênh và phát huy nội lực, sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, các hội viên phụ nữ ở thị trấn Đình Cả đã và đang từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ thời đại hiện đại. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế đã đem lại hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, góp sức thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn.