Huyện Định Hóa có trên 30,2 nghìn ha rừng, trong đó có gần 13,8 nghìn ha là rừng sản xuất. Trong những năm qua, kinh tế đồi rừng đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn huyện. Từ những kết quả này, huyện tiếp tục đề ra những giải pháp nhằm tăng giá trị kinh tế và tính bền vững của việc trồng rừng.
Ông Lèng Văn Chí, một hộ dân ở xóm Làng Quàn, xã Tân Thịnh phấn khởi chia sẻ với chúng tôi về giá trị kinh tế từ kinh tế đồi rừng: Gia đình tôi có 15ha keo, năm 2013 và 2014, đã khai thác 10ha keo đã trồng trên 7 năm tuổi, cho thu nhập trên 60 triệu đồng/ha. Nhờ vậy, gia đình đã xây dựng được ngôi nhà ở khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị. Năm nay, gia đình tiếp tục đầu tư để trồng lại keo trên phần đất đã khai thác. Ông Chí khẳng định: Nếu kiên trì và gắn bó với rừng thì chắc chắn chúng ta sẽ giàu lên từ rừng...
Gia đình ông Chí là một trong số hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Định Hóa đã có nguồn thu nhập từ trồng rừng sản xuất. Nhận thức được lợi ích kinh tế từ việc trồng rừng, trung bình mỗi năm người dân Định Hóa đã trồng được khoảng trên 1.200ha rừng, diện tích đất trống, đồi núi trọc ở huyện đã cơ bản không còn; khai thác được khoảng 14 đến 16 nghìn m3 gỗ tròn. Trồng rừng sản xuất phát triển đã kéo theo sự gia tăng về số lượng các cơ sở chế biến và kinh doanh gỗ. Hiện nay, Định Hóa có trên 300 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến gỗ. Các cơ sở này đã góp phần tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động ở nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, giá trị sản xuất lâm nghiệp ở huyện không ngừng tăng lên theo từng năm, đến năm 2014 đã đạt 46 tỷ đồng.
Để phát triển rừng bền vững và cho giá trị kinh tế cao hơn, khoảng 2-3 năm trở lại đây, huyện Định Hoá đã lựa chọn đưa một số cây trồng có giá trị kinh tế cao vào trồng như: quế, lim, keo tai tượng giống nhập Australia, mỡ... Hiện nay, huyện đang xây dựng Dự án hỗ trợ và phát triển rừng bền vững. Theo đó, từ nay đến năm 2020, sẽ trồng 280ha rừng hỗn giao theo hướng bền vững, mỗi năm trồng từ 50 đến 60ha, với chủ yếu là các loại cây trồng bản địa phù hợp với sinh thái vùng có giá trị sinh thủy, cảnh quan, đồng thời đem lại giá trị kinh tế cao gồm: lim, chò chỉ (hoặc cây giổi), đa xanh (hoặc đa chai) và mỡ, với mật độ 1.000 cây/ha. Các hộ tham gia sẽ được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, hỗ trợ cây giống, công lao động năm đầu và phân bón theo quy trình kỹ thuật. Cùng với đó, huyện cũng dự kiến trồng 2.000ha quế tại các xã nằm trong vùng quy hoạch gồm: Kim Sơn, Quy Kỳ, Tân Dương, Phượng Tiến, Tân Thịnh, Lam Vỹ, Linh Thông, Phúc Chu. Riêng năm 2016, huyện phấn đấu trồng 500ha quế. Các hộ tham gia trồng quế cũng được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, hỗ trợ giống cây, phân bón. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ dự tính vào khoảng 12 tỷ đồng. Ông Đàm Tiến Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Dự kiến, huyện sẽ chỉ đạo các hộ dân tham gia trồng quế với mật độ từ 4.500 đến 6.000 cây/ha. Trong đó, huyện sẽ hỗ trợ khoảng 2.000 cây/ha, còn lại sẽ vận động động các doanh doanh nghiệp liên kết hỗ trợ thêm cây giống. Theo tính toán ban đầu, khi cây quế trồng đến 5 năm tuổi, các hộ dân có thể khai thác chặt hoàn toàn khoảng 1.000 cây/ha (với nguồn thu nhập mỗi cây khoảng 20 nghìn đồng). Tương tự, các năm tiếp theo các hộ sẽ khai thác tiếp khoảng 1.000 cây/ha đến khi mật độ rừng Quế ở 1.000 cây/ha thì sẽ thực hiện khai thác lá và cành. Sau 15 năm, có thể khai thác trắng đối với diên tích tích quế thuộc rừng sản xuất, khi ấy giá trị mỗi cây sẽ cho thu nhập khoảng 1,7 đến 2 triệu đồng.
Việc hỗ trợ phát triển rừng hỗn giao và rừng chất lượng cao từ nay đến năm 2020 được dựa trên cơ sở phát huy những tiềm năng, thế mạnh của Định Hoá về phát triển lâm nghiệp. Qua đó, huyện cũng mong muốn tiếp tục nâng cao ý thức của người dân trong việc lựa chọn các cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhằm tăng giá trị trên một diện tích rừng; tạo được nguồn sinh lợi bền vững cũng như nguồn sinh thủy phục vụ cho sản xuất và đời sống; từng bước cải thiện cảnh quan môi trường và giữ môi trường sinh thái.