Trong một thời gian khá dài (từ năm 2000 đến 2012), tình trạng người dân tự ý chuyển đổi đất lúa sang trồng chè, cây ăn quả… đã làm “đau đầu” các cấp, ngành chức năng của tỉnh. Tuy nhiên, ngày 8-11-2013, khi Thông tư số 47 của Bộ Nông nghiệp và PTNT được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm kết hợp nuôi trồng thủy sản, tỉnh đã có những căn cứ để giải quyết tình trạng được xem là “nóng” trong suốt một thập niên qua.
Với trên 48 nghìn ha đất lúa, mỗi năm tỉnh ta gieo cấy được 2 vụ với khoảng 70 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng 420 nghìn tấn. Tuy nhiên, số lương thực này chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và chăn nuôi của người dân chứ chưa sản xuất thành hàng hóa. Để thực hiện khát vọng làm giàu, tại một số địa phương có điều kiện phát triển các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao (chè, cây ăn quả, rau màu…) như Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, T.P Thái Nguyên… từ nhiều năm nay, không ít hộ dân đã tự ý chuyển đổi đất cấy lúa của gia đình sang trồng các loại cây khác dù chưa được cho phép của chính quyền địa phương…
Người dân “đi trước” một bước
. |
Ông Nguyễn Văn Tứ, xóm Đặng 1, xã Ký Phú (Đại Từ).
Với người nông dân, cứ loại cây trồng nào cho thu nhập cao, ổn định thì chúng tôi đầu tư. Do đó, thay vì cấy lúa, hơn chục năm nay, gia đình tôi đã chuyển sang trồng mía tím trên 1 mẫu ruộng. Thu nhập từ mía tím cao hơn từ 3 đến 4 lần so với cấy lúa. Nếu có loại cây trồng cho thu nhập cao hơn cây mía tím, phù hợp với đồng đất nơi đây, có đầu ra ổn định, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
|
Dạo một vòng quanh xóm Hiên Minh, xã La Hiên (Võ Nhai), chúng tôi thấy bạt ngạt những vườn cây ăn quả xanh mướt mắt. Đang mùa na, nhãn chín rộ, từ sáng đến trưa, vườn nhà nào cũng rộn ràng tiếng cười, nói của gia chủ và tư thương… Ở Hiên Minh, nhà nào cũng được được quy hoạch rất gọn gẽ theo mô hình: nhà nằm ở giữa; xung quanh là vườn nhãn, na, ổi. Các hộ đều xây tường rào bao quanh phần đất của gia đình mình. Với lối quy hoạch này, ít ai ngờ rằng, gần chục năm trước, hầu hết những vườn na, nhãn ở đây đều là những chân ruộng trồng lúa một vụ kém hiệu quả. Ông Phạm Huy Dân, một người dân trong xóm chia sẻ: Theo tôi, quan niệm giữ lấy bờ xuôi, ruộng mật để cấy lúa, trồng ngô đã lạc hậu, không còn phù hợp với xu hướng phát triển. Lối tư duy thức thời nhất mà nông dân trong xóm đang hướng tới là phát triển những cây trồng nào cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Với lối tư duy ấy, từ những năm 2000, mấy chục hộ dân trong xóm Hiên Minh đã lần lượt chuyển đổi diện tích đất lúa của gia đình sang trồng na, nhãn. Bà Phạm Thị Tĩnh, xóm Hiên Minh cho biết: Đất sỏi cơm dóc nước, rất hợp với cây na. Do đó, gia đình tôi đã đi tìm mua đất đồi ở một số nơi khác về đổ xuống ruộng để trồng na. Trước đây, 1 mẫu ruộng của gia đình mỗi năm cho thu cao nhất cũng chỉ khoảng 2 tấn lúa, thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/năm. Từ khi chuyển đổi sang trồng na (gần chục năm trước), mỗi năm gia đình tôi thu khoảng 200 đến 250 triệu đồng.
Theo tính toán của người dân Hiên Minh, trên cùng một diện tích, trồng nhãn, na cho thu nhập cao hơn từ 10 đến 15 lần so với cấy lúa nên việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả là nhu cầu tất yếu của người dân. Chị Phạm Thị Mai, xóm Hiên Minh cho rằng: Vẫn biết việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả là trái với quy định của Nhà nước nhưng nếu không chuyển đổi, người dân chúng tôi không thể thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Hơn 10 năm qua, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại các ăn quả cũng được thực hiện tại một số xóm: Sông Hòa, Yên Bình, Là Đồng của xã La Hiên. La Hiên chỉ là một trong rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng người dân tự ý chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Một số xã như Tân Linh (Đại Từ), Tức Tranh (Phú Lương)… cũng từng là điểm “nóng” do tình trạng người dân “lấp đầy” ruộng lúa kém hiệu quả để trồng chè.
Ở một số nơi, nhiều hộ dân cũng đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa, cho thu nhập cao hơn từ 3 đến 5 lần so với cấy lúa. Cụ thể, sản xuất rau chuyên canh ở xã Linh Sơn (Đồng Hỷ); trồng mía tím ở xã Ký Phú (Đại Từ); trồng rau xanh, hoa trong nhà lưới ở phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên)… Mục đích chuyển đổi sang trồng các loại cây hàng năm cho hiệu quả kinh tế cao trên đất lúa của người dân trong tỉnh xuất phát từ nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, sau rất nhiều năm người dân “đi trước”, Nhà nước mới có chủ trương để thực hiện việc chuyển đổi này...
Muộn còn hơn không
Bà Vũ Thị Bích Liên, Chủ tịch UBND xã La Hiên (Võ Nhai).
Vài năm trước, La Hiên được coi là điểm “nóng” của tỉnh về việc người dân tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Việc chuyển đổi của người dân là phù hợp với nhu cầu thực tế, giúp bà con có thu nhập ổn định, nhưng do trái với quy định của Nhà nước nên chúng tôi vẫn phải tiến hành ngăn cản, xử phạt. Tính đến nay, đã có trên 30 hộ dân của xã bị xử phạt hành chính do tự ý chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả (na, nhãn). Hiện nay, quy định của Nhà nước về vấn đề này đã được ban hành. Vậy là chúng tôi đã có thể thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cho người dân.
|
. |
Có thể thấy, hơn 10 năm qua, việc tự ý chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao của người dân trong tỉnh là trái với quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, đây là nhu cầu bức thiết và từ thực tế ở cơ sở đòi hỏi Nhà nước phải xem xét đến hiệu quả thiết thực của việc chuyển đổi này. Ngày 11-5-2012, khi Nghị định số 42 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa được ban hành và Thông tư số 47 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ra đời, hướng dẫn việc chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây hằng năm, đã mở ra cho người nông dân những triển vọng... Vậy là sau nhiều năm chuyển đổi, trong đó có những trường hợp chấp nhận các hình thức xử phạt hành chính, thời gian tới đây, nhiều diện tích đất lúa đã chuyển đổi của người dân trong tỉnh sẽ có cơ hội được “hợp thức hóa” theo đúng chủ trương của Nhà nước.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nói: Từ tháng 7-2014, chúng tôi đã có văn bản đề nghị các huyện, thành phố, thị xã rà soát toàn bộ diện tích đất lúa có thể chuyển sang trồng cây hàng năm có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt, trong đó ưu tiên đối với diện tích đất lúa một vụ, đất sản xuất lúa kém hiệu quả. Đến nay, nhiều địa phương đã hoàn thành việc rà soát và đề xuất kế hoạch chuyển đổi giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Việc các cấp, ngành chức năng của tỉnh tiến hành rà soát để tiến tới chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng cây hàng năm là một tín hiệu vui đối với người dân. Theo ông Phạm Huy Dân, ở xóm Hiên Minh, xã La Hiên (Võ Nhai) chủ trương này của Nhà nước tuy ban hành muộn hơn so với thực tế ở cơ sở, nhưng “muộn còn hơn không”…
(còn nữa)