Kỳ 2: Chuyển đổi đất lúa - Cần một lộ trình phù hợp

10:01, 25/08/2015

Hiện nay, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa có giá trị, hiệu quả kinh tế cao bắt đầu được thực thi tại Thái Nguyên. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, vừa phù hợp với chương trình hành động tái cơ cấu ngành Trồng trọt của tỉnh, đòi hỏi các cấp,ngành chức năng phải xây dựng được kế hoạch chuyển đổi theo lộ trình phù hợp…

Chuyển đổi gắn với tái cơ cấu ngành Trồng trọt

 

Thái Nguyên hiện có trên 48 nghìn ha đất lúa, trong đó có 15 nghìn ha đất lúa một vụ và khoảng 18 nghìn ha đất lúa hai vụ có thể chuyển sang trồng cây hàng năm cho giá trị kinh tế cao. Chủ trương và lộ trình của tỉnh thời gian tới là cùng với tập trung thâm canh trên diện tích lúa 2 vụ để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng lúa, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa một vụ hoặc kém hiệu quả sang trồng các loại cây hàng năm có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và thế mạnh của từng địa phương. Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng các phương thức xen canh, luân canh, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với công nghiệp chế biến. Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Các địa phương cần gắn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với Chương trình hành động tái cơ cấu ngành Trồng trọt và các dự phát triển sản xuất thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

 

.  

Ông Phạm Văn Quang, xóm Hiên Minh, xã La Hiên (Võ Nhai)

 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa có giá trị và hiệu quả kinh tế cao là một chủ trương lớn của Nhà nước. Do đó, chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương có những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi.

 

Trên thực tế, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa là một trong những nội dung quan trọng để tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Do vậy, theo ông Nguyễn Quốc Minh, các xã, thị trấn; huyện, thành phố, thị xã nên căn cứ vào quy hoạch tổng thể của địa phương mình để xem xét lập quy hoạch chi tiết cho từng loại cây trồng, từng vùng và theo các vụ sản xuất; tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa, không gieo trồng tự phát, nhỏ lẻ; gắn kết với các khâu thu mua, chế biến. Trong quy hoạch cần lưu ý đến việc xây dựng vùng luân canh lúa - màu; vùng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu; cây ăn quả. Trên cơ sở đó, từng bước đầu tư hệ thống tưới tiêu nội đồng hợp lý, đảm bảo tiêu úng toàn vùng khi mưa lớn và tưới đủ nước khi nắng hạn…

 

Cây trồng thế mạnh - hướng đầu tư trong lộ trình chuyển đổi

 

Ông Tạ Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Xác định cây trồng thế mạnh, phù hợp với điều kiện thực tế là mục tiêu chúng tôi đang hướng tới trong lộ trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.
Đây cũng là mục tiêu của các địa phương trong tỉnh. Để định hướng cho các xã lựa chọn và đầu tư vào các loại cây trồng phù hợp, ngành Nông nghiệp đã có văn bản hướng dẫn các địa phương đề xuất kế hoạch xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn”, giai đoạn 2015-2020, trong đó ưu tiên các cây trồng thế mạnh, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng địa phương như sản xuất lúa - gạo, ngô hàng hóa chất lượng cao, tạo vùng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi; sản xuất nguyên liệu chè búp tươi chất lượng cao, liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm; sản xuất rau màu cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; sản xuất cây ăn quả na, chuối, bưởi, nhãn và các loại cây trồng khác…

 

 

Ông Ngô Văn Bản, Chủ tịch UBND xã Ký Phú (Đại Từ)

 

Người dân rất ủng hộ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của Nhà nước. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi đúng kế hoạch, theo định hướng thì cùng với sự vào cuộc của xã, các cấp, ngành chức năng của huyện, tỉnh cần phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến cáo, nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này.

 

.

Tìm hiểu việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở cơ sở, tại xã Ký Phú (Đại Từ), chúng tôi được đại diện chính quyền đại phương cho biết, hiện nay, xã đang có chủ trương xây dựng phương án chuyển đổi 40ha đất lúa ở xóm Cả và xóm Đặng 2 sang trồng rau an toàn. Đây là 2 xóm có nhiều lợi thế như đất đai bằng phẳng, chất đất phù hợp với phát triển rau màu, nguồn nước tưới thuận lợi (nguồn nước lấy từ hồ Vai Miếu về rất sạch, đáp ứng nhu cầu sản xuất rau an toàn). Khoảng cách từ Ký Phù đến một số khu công nghiệp của tỉnh như Khu công nghiệp Yên Bình, Núi Pháo… cũng không xã (từ 20 đến trên 40km) nên quá trình vận chuyển sản phẩm khá thuận lợi. Theo kế hoạch, việc chuyển đổi này sẽ có sự tham gia của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp chịu trách nhiệm chuyển giao khoa học kỹ thuật; đầu tư giống; giám sát quá trình sản xuất của người dân và lo bao tiêu sản phẩm. Về phía người dân, sản xuất rau trên diện tích đất của gia đình để cung cấp cho doanh nghiệp và bản hợp đồng giữa doanh nghiệp và từng hộ dân là sự ràng buộc giữa hai bên.

 

.

 

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, bên cạnh thực hiện quy hoạch vùng sản xuất trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; tăng cường đào tạo nghề, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và định hướng cho nông dân phát triển kinh tế. Đặc biệt là quan tâm củng cố cơ sở hạ tầng và có chính sách ưu đãi về vốn cho nông dân.

 

Căn cứ vào nhu cầu thực tế trong việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm của cấp xã, các huyện, thành phố, thị xã cũng đã xây dựng hướng chuyển đổi đất lúa trên địa bàn, tập trung vào những cây trồng thế mạnh. Đơn cử, huyện Đại Từ, dự kiến sẽ xây dựng 5 cánh đồng mẫu lớn trồng rau màu như dưa chuột, khoai tây, bí đỏ với quy mô 20ha trở lên/mô hình; xây dựng 2 cánh đồng trồng cây ăn quả với diện tích 30ha trở lên/mô hình; xây dựng 3 mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu quy mô trên 100 tấn nấm các loại/mô hình. Với Võ Nhai, địa phương này dự định chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng ngô hàng hóa, mỗi mô hình chuyển đổi có diện tích đạt từ 30ha trở lên; trồng cây ăn quả, mỗi vùng sản xuất có diện tích từ 10 ha trở lên…

 

Những năm gần đây, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp. Trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra nắng nóng, hạn hán cục bộ; mưa lũ, ngập úng gây thiệt hại lớn cho nông dân. Hơn nữa, tình trạng mất cân đối nội bộ ngành Nông nghiệp, nhất là giữa sản xuất và chăn nuôi, đã và đang xảy ra. Do đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế không chỉ hạn chế được rủi ro mà còn giúp tăng hiệu quả sản xuất trồng trọt của người dân trên địa bàn tỉnh cũng như hướng tới phát triển ổn định và bền vững.