Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên tích cực triển khai nhiều tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là về giống chè. Điều này đã góp phần làm thay đổi mạnh về năng suất và chất lượng sản phẩm chè, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp.
Tính đến nay, cơ cấu giống chè mới của tỉnh đã chiếm tới 62% (tương đương 13.000ha chè) với những giống có năng suất cao, thích ứng với điều kiện của tỉnh như: LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TRI 777, PH8, PH9… Có thể điểm qua một số dự án, mô hình quản lý chất lượng nội bộ hướng tới tiêu chuẩn VietGAP nhằm sản xuất ra sản phẩm chè an toàn góp phần nâng cao chất lượng chè đặc sản tỉnh Thái Nguyên, đó là: Mô hình trồng mới theo tiêu chuẩn chè an toàn quy mô 5ha, giống chè Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên, năng suất đạt được sau 3 năm là 2,5 tấn/ha/năm; Mô hình chuyển đổi sang sản xuất chè an toàn hướng tới tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 30ha, giống chè Bát Tiên, Kim Tuyên và Phúc Vân Tiên, năng suất đạt 10 tấn/ha/năm; Mô hình xưởng sản xuất chè xanh từ chè an toàn vùng dự án, công suất 14 tấn chè búp tươi/ngày...
Kết quả của việc chuyển đổi cơ cấu giống chè mới góp phần giảm bớt tỷ lệ diện tích giống chè trung du già cỗi, năng suất thấp. Cùng với đó là kết hợp quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng nâng cao chất lượng vệ sinh thực phẩm; ứng dụng quy trình công nghệ chế biến chè xanh theo mô hình nông hộ, các tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng sản xuất thủ công, bán công nghiệp có ứng dụng cơ khí hóa và điện khí hóa. Nhờ đó, chè Thái Nguyên cũng đã tăng quy mô diện tích. Đến nay toàn tỉnh đã có 20.780ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh chiếm tới 85%; năng suất đạt 11 tấn búp khô/ha, sản lượng 192.951 tấn; giá trị trên một đơn vị diện tích đạt 95 triệu đồng/ha, có nơi 200-300 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình sản xuất chế biến, tiêu thụ chè hiệu quả đang được nhân rộng. Nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng như: Tân Cương (T.P Thái Nguyên); La Bằng (Đại Từ); Minh Lập (Đồng Hỷ); Tức Tranh, Vô Tranh (Phú Lương); Phúc Thuận (Phổ Yên).
Ngoài việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất thì tương ứng với đó là hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới. Mặc dù Thái Nguyên chưa có những doanh nghiệp lớn hoạt động có hiệu quả với vai trò vừa là trung tâm vừa là động lực thúc đẩy liên kết sản xuất và chế biến tiêu thụ, song thay vào đó ở địa phương đã hình thành liên kết chuỗi rất chặt chẽ và khép kín từ khâu sản xuất, chế biến nông hộ, trong mỗi tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Hình thức tổ chức sản xuất này đang là những mô hình rất hiệu quả, được khuyến khích và nhân rộng.
Hiện, Thái Nguyên đang xây dựng Đề án phát triển chè giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, đặc biệt là những giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh thay thế giống chè trung du, mục tiêu đến năm 2020, giống chè mới có năng suất, chất lượng cao chiếm 80% diện tích; đẩy mạnh quy trình sản xuất chè an toàn, sản xuất sản phẩm chè búp tươi chất lượng cao phục vụ chế biến và chế biến công nghệ cao. Tham mưu với tỉnh hỗ trợ nông dân mua máy sao chè nguyên liệu bằng ga, máy đóng bao bì các sản phẩm chè cho đối tượng là nhóm hộ, các hợp tác xã, tổ hợp tác. Sản phẩm sản xuất và chế biến theo hướng chất lượng cao và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đây là vấn đề then chốt nhằm làm giảm tối đa việc sơ chế xuất bán nguyên liệu. Người sản xuất, chế biến chè ý thức được tầm quan trọng, giá trị của việc xây dựng thương hiệu chè, yêu cầu chung bảo đảm thương hiệu các sản phẩm thực sự có chất lượng, quy mô sản lượng đủ lớn, có uy tín, lấy chất lượng làm nền tảng tạo sức cạnh tranh. Bên cạnh sử dụng thương hiệu tập thể Chè Thái Nguyên, tỉnh cũng hướng tới xây dựng thương hiệu chè gắn với vùng sản xuất, chủ thể có trách nhiệm cùng cơ quan quản lý Nhà nước quản lý sở hữu trí tuệ, sở hữu tập thể, quảng bá thương hiệu. Thương hiệu mạnh sẽ làm tăng giá trị, thúc đẩy kinh doanh và sản xuất phát triển. Và ngược lại, nếu số lượng sản thấp, nhỏ lẻ, chất lượng kém thì có tuyên truyền, quảng bá thì sản phẩm cũng khó có thể tạo nên sức cạnh tranh.
Theo đồng chí Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Với vùng nguyên liệu chè lớn, cùng với việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn tiên tiến, an toàn, Thái Nguyên cơ bản có đủ điều kiện thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này.