Trong khoảng 10 năm trở lại đây, xuất khẩu luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, trực tiếp kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn ngoại tệ và đóng vai trò lớn trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp. Nhìn chung, chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu của nước ta đều được hoạch định ở mức tăng 10% qua các năm và năm 2015 cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu đang diễn ra không mấy thuận lợi, đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn từ các bên liên quan.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tính chung kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả nước trong 7 tháng đầu năm nay đạt 92,3 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương với tăng 7,97 tỷ USD). Đây là mức tăng khá khiêm tốn, thấp hơn chỉ tiêu một chút, nhưng còn cách xa so với kỳ vọng của nền kinh tế. Được biết, kết quả XK đang bộc lộ một số điểm yếu, không thể xem thường, cụ thể như: KNXK của khu vực doanh nghiệp (DN) 100% vốn trong nước chỉ đạt 27,6 tỷ USD, chiếm 29,9% tổng KNXK của cả nước, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế này cho thấy vai trò và tầm quan trọng của khu vực DN trong nước đang ngày càng mờ nhạt so với tổng KNXK, bởi nó giảm dần trong thời gian gần đây (cách đây khoảng 6 tháng trở về trước thì KNXK của DN "nội" thường chiếm hơn 30% tổng KNXK).
Việc giảm sút về KNXK so với cùng kỳ năm trước cũng là vấn đề đáng ngại, bởi nó cho thấy các DN trong nước vẫn chưa hồi phục một cách vững chắc, chưa có sự bứt phá nên phải chấp nhận một kết quả thấp hơn hẳn so với yêu cầu tăng trưởng về XK chung của nền kinh tế. Ngược lại, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng ổn định và tăng trưởng mạnh, chiếm tỷ trọng ngày càng cao để trở thành lực lượng chủ yếu về XK, quyết định kết quả XK của nền kinh tế. Xét về ngành hàng và lĩnh vực cho thấy riêng nhóm sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là giữ được phong độ tăng đều đặn qua thời gian, đối với các nhóm còn lại đang rơi vào tình thế khó khăn, trầm lắng. Đơn cử trong 7 tháng của năm nay, giá trị XK nhóm hàng nông, thủy sản giảm tới 7,4% so với cùng kỳ năm trước do một số mặt hàng chủ lực (như thủy sản, gạo, cà phê) giảm khá sâu. Nguyên nhân chủ yếu là do các DN chế biến chưa đảm nhận được vai trò dẫn dắt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng về chất lượng, lại càng chưa đủ năng lực để tạo ra nhiều giá trị gia tăng đối với sản phẩm. Các DN trong nước cũng gặp khó trong việc XK nhiên liệu, khoáng sản, KNXK các mặt hàng này giảm tới 45% so với cùng kỳ (đây là mức giảm rất sâu, do nhu cầu tiêu thụ nguyên, nhiên liệu trên thế giới suy giảm cũng như do giá dầu thô giảm liên tục từ đầu năm đến nay). Đó là nguyên nhân bất khả kháng, nhưng có thể lý giải sự hạn chế về kết quả XK trong 7 tháng qua. Từ thực tiễn tình hình XK như trên, cán cân thương mại của nền kinh tế nước ta đang rơi vào tình trạng bất lợi, nhập siêu trong 7 tháng qua lên tới 3,4 tỷ USD…
Như chúng ta đã biết, hiện nay, nước ta sắp ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), cùng với đó sẽ tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay. Từ đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn đối với các DN nội trong lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm (cả XK và tiêu thụ nội địa). Chính vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị các DN nội cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm cách thâm nhập thị trường XK thuộc các hiệp định thương mại nói trên cũng như tranh thủ các thị trường ngách, nhỏ lẻ để cải thiện tình hình, lấy lại phong độ và đóng góp xứng đáng vào nền kinh tế của đất nước. Thời gian từ nay đến cuối năm tuy không còn dài nhưng vẫn hy vọng đủ để các DN nỗ lực phấn đấu làm đảo ngược tình thế, đẩy mạnh XK hàng hóa để có thể hoàn thành những chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm nay.