Đưa chúng tôi đi thăm vườn nhãn của gia đình, chị Nguyễn Thị Đào ở xóm Vải, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) vui lắm. Chị cho biết: Năm nay, nhãn được mùa, sản lượng cao hơn khoảng 20% so với những năm trước. Vườn nhãn của gia đình tôi có 100 cây, cây nào cũng sai trĩu cành, quả to đều, chùm nọ chồng lên chùm kia, năng suất ước đạt trên 1 tạ/cây.
6 năm trước, khi nhiều hộ dân trong xóm Vải đua nhau chặt bỏ cây nhãn giống cũ (còn gọi là nhãn trơ, nhãn thóc), chất lượng quả kém để trồng ổi, mía… thì gia đình chị lại đầu tư mở rộng diện tích trồng nhãn. Thay vì trồng giống nhãn cũ, chị đầu tư trồng hơn 100 cây nhãn ghép. Sau 3 năm chăm sóc, nhãn bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, phải sang năm thứ 4, thứ 5, sản lượng nhãn mới đạt cao. Theo tính toán của chị, năm nay, do thời tiết thuận lợi nên vườn nhãn sẽ cho trên 10 tấn nhãn. Với giá bán trung bình từ 25 đến 35 nghìn đồng/kg, vụ nhãn này, chị thu khoảng 300 triệu đồng.
Không chỉ riêng gia đình chị Đào mà nhiều hộ dân ở các vùng có tiềm năng phát triển cây nhãn trên địa bàn T.P Thái Nguyên; T.X Phổ Yên; các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ… cũng được mùa nhãn. Theo lý giải của ông Lê Ngọc Hạnh, Trưởng xóm Vải, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên), nhãn được mùa là do thời điểm ra hoa không trùng vào thời điểm mưa phùn kéo dài nên sâu bệnh ít, tỷ lệ đậu quả cao.
Mặc dù được mùa nhãn nhưng giá bán không hề giảm so với năm ngoái. Bà Phạm Thị Tĩnh, một hộ dân trồng nhãn ở xóm Hiên Minh, xã La Hiên (Võ Nhai) cho biết: Rất nhiều tư thương trong vào ngoài tỉnh đã tìm về các hộ trồng nhãn của xóm để đặt cọc hẹn ngày về thu hoạch. Đang bước vào chính vụ nhưng giá bán buôn tại vườn vẫn phổ biến từ 15 đến 25 nghìn đồng/kg, tùy vào chất lượng quả của từng vườn. Với năng suất bình quân từ 1 đến 2 tạ/cây, nhà trồng ít (khoảng 10 cây) cũng thu từ 20 đến 30 triệu đồng, nhà trồng nhiều (từ 100 cây trở lên) thu khoảng 200 đến 400 triệu đồng. Với những hộ không có nhân lực sẽ bán cho tư thương tại vườn còn gia đình nào có điều kiện về nhân lực, phương tiện sẽ tự thu hoạch và đem nhãn ra các chợ đầu mối như Thái, Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) bán sẽ có thu nhập cao hơn so với bán tại vườn khoảng 20 đến 30%.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, khoảng 5 năm trở lại đây, trong khi diện tích vải có xu hướng giảm do quả vải ngày càng mất giá thì diện tích nhãn của tỉnh lại tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng khoảng 10ha. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 5.000ha nhãn, tập trung rải rác ở các địa phương trong tỉnh, mỗi năm cho sản lượng trên 17 nghìn tấn quả. Trong đó, diện tích nhãn ghép chiếm khoảng 50 đến 60%. Các giống được trồng trên địa bàn chủ yếu là nhãn lồng Hưng Yên, nhãn muộn Đại Thành và nhãn thóc (giống nhãn cũ). Hiện nay, nhãn thóc và nhãn lồng bắt đầu cho thu hoạch, nhãn muộn dự kiến thu vào giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 dương lịch. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Để nâng cao năng suất, chất lượng quả nhãn, với những vườn nhãn lâu năm, bà con đã khắc phục tình trạng nhãn bị thoái hoá bằng cách ghép mắt, đồng thời đốn bỏ để trồng mới bằng những giống chất lượng cao. Đối với những diện tích nhãn trồng mới, bà con chủ yếu trồng giống nhãn ghép, được mua ở các cơ sở sản xuất giống tại Hưng Yên, Hà Nội và trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Dung, một hộ chuyên kinh doanh các loại hoa, quả ở tổ 13, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Tôi kinh doanh hoa quả đã hơn 10 năm nay. Mặt hàng kinh doanh chủ yếu là các sản phẩm hoa quả trong tỉnh. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nhãn, na chín rộ là tôi về tận vườn của các hộ dân trong tỉnh để thu mua. Mấy năm gần đây, tôi thấy nhiều vườn nhãn giống mới trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn cho quả tốt nhất. Hầu hết các loại nhãn đều có cùi dày, ăn ngọt và có hương thơm đậm đà được nhiều người ưa chuộng, bán rất chạy. Những ngày đầu tháng 8, mỗi ngày tôi bán được khoảng 2 tạ quả.
Định hướng của ngành Nông nghiệp là thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng này, trong đó khuyến khích chuyển đổi những diện tích đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng nhãn. Đặc biệt, các địa phương cần khuyến khích người dân cải tạo diện tích nhãn già cỗi, nhãn thóc bằng những giống chất lượng, nhãn muộn để rải vụ, góp phần đa dạng sản phẩm cây ăn quả của tỉnh, tăng hiệu quả kinh tế.
Hiệu quả từ cây nhãn đã rõ, tuy nhiên theo chúng tôi, làm thế nào để loại cây này phát triển bền vững, tránh rơi vào tình trạng phát triển diện tích ồ ạt dẫn đến cung vượt quá cầu, giá cả bấp bênh là điều cần được các ngành chức năng của tỉnh cần xem xét...
Nhân giống cây nhãn bằng cách chiết cành và ghép gốc được xem là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Theo đó, chiết nhánh thực hiện trên cây mẹ được chọn lựa kỹ, có hiệu quả cho cơm (cùi) dày, mùi vị thơm ngon, đạt tiêu chuẩn cao trên thị trường trong nước và nước ngoài. Đối với ghép gốc cây nhãn, có ưu điểm là gốc ghép được chọn hoàn toàn phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương và một cây nhãn mẹ cho được nhiều gốc ghép (mỗi cây chỉ một mắt ghép) nên thoả mãn được yêu cầu nhãn giống…