Chúng tôi đến huyện Phú Bình khi những tia nắng mùa thu đang phủ lên khắp các cánh đồng lúa trải dài xanh ngắt, những con đường làng lầy lội trước kia phần lớn đã được bê tông hóa, giữa trung tâm huyện, xe cộ đi lại nhộn nhịp, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, trong các công ty, nhà máy là không khí lao động sản xuất hăng say… những hình ảnh đó khiến Phú Bình giống như một bức tranh sinh động, căng tràn sức sống.
Cách đây khoảng 5 năm, khi nhắc đến Phú Bình, người ta thường liên tưởng về một miền quê thuần nông với hình ảnh những người nông dân quanh năm gắn bó với cây ngô, cây lúa. Bây giờ, Phú Bình vẫn lấy việc sản xuất nông nghiệp làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế, nhưng song song với đó, huyện đang rất chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp. Điều ấy được minh chứng bởi những khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang được xây dựng trên địa bàn huyện. Điển hình như khu công nghiệp Điềm Thụy được triển khai từ năm 2012 với tổng diện tích 350ha, tại đây hiện đã có 30 dự án được chấp thuận đầu tư, trong đó có 10 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất. Ngoài ra, còn có 2 cụm công nghiệp hoạt động khá hiệu quả là Cụm công nghiệp Kha Sơn và Cụm công nghiệp Điềm Thụy. Đến những nơi này, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự năng động, đổi thay của huyện Phú Bình. Hình ảnh cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, hiện đại, không khí lao động hăng say tại các nhà xưởng, dây truyền sản xuất… đã tạo thành điểm nhấn trong “bức tranh” làng quê Phú Bình.
Bên cạnh đó, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện cũng ngày càng đi vào ổn định, phát triển. Với trên 2.100 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 10 làng nghề, 1 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, người dân ở đây giờ đã có thêm nhiều ngành nghề mới như sản xuất vật liệu xây dựng, làm mộc, gò hàn… đem lại nguồn thu nhập cao, giải quyết được việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Những năm gần đây, mặc dù việc phát triển các khu công nghiệp khiến cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Phú Bình bị thu hẹp đáng kể nhưng năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn tăng theo các năm. Đó là kết quả của việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nếu như trước đây, việc làm nông nghiệp của bà con nông dân trong huyện còn manh mún khiến năng suất cây trồng đạt thấp thì nay đã xuất hiện nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn với những giống lúa lai cho năng suất cao, mở ra một phương thức sản xuất nông nghiệp mới cho bà con nông dân. Để phá thế độc canh cây lúa, huyện Phú Bình còn chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân tích cực chuyển đổi thời vụ, lựa chọn một số cây trồng thế mạnh để đầu tư sản xuất như: Dưa chuột, bí, khoai tây, ớt… Trong đó, cây dưa chuột được xem là một trong những cây trồng mới đem lại thu nhập cao. Qua thực tế kiểm tra, đánh giá, mỗi sào dưa chuột bà con được thu lãi hơn 4 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống khác. Hiện nay, giá trị sản phẩm/1ha đất nông nghiệp trồng trọt của huyện Phú Bình đạt khoảng 78 triệu đồng, tăng 23 triệu đồng so với năm 2010.
Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương cũng đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ như trước kia nhằm đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân. Được biết, trong tổng số 237 trang trại trên toàn huyện thì có đến gần 110 trang trại chăn nuôi gà thả đồi. Đây là vật nuôi đang chiếm ưu thế ở địa phương bởi năm 2014 huyện Phú Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học - Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gà đồi Phú Bình”. Ông Nguyễn Bá Thủy, ở xóm Tranh, xã Tân Khánh là hộ chăn nuôi gà đồi với quy mô khoảng 4.000 con/lứa cho biết: Việc được công nhận nhãn hiệu “Gà đồi Phú Bình” đã khiến cho sản phẩm nông nghiệp này ở địa phương dần tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường và ổn định được giá cả, đầu ra cho người chăn nuôi.
Không chỉ chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Phú Bình còn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đến nay, phần lớn những tuyến đường giao thông liên xóm, liên xã lầy lội trước kia giờ đã được trải nhựa, bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Nhiều công trình cơ bản như trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế… được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu của bà con nhân dân. Đối với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã đều chú trọng tổ chức huy động các nguồn lực vào đầu tư những công trình thiết yếu tại xã, xóm, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của bà con nhân dân. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân giữ gìn vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, khơi dậy các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… Hiện tại, huyện Phú Bình đã có 2 xã về đích nông thôn mới sớm hơn so với dự kiến 1 năm là xã Đồng Liên và xã Lương Phú. 18 xã còn lại bình quân đạt 14,45 tiêu chí/xã, huyện phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ xây dựng thêm được 5 xã nông thôn mới nữa.
Ông Hồ Việt Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Để có được diện mạo như ngày hôm nay, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã luôn đoàn kết, không ngừng vươn lên, vượt mọi khó khăn để xây dựng huyện nhà phát triển một cách toàn diện. Điều đó được thể hiện qua những con số ấn tượng như: Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Phú Bình đến năm 2015 ước đạt trên 5.000 tỷ đồng, cao gấp hơn 20 lần so với năm 2010; thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hơn 20%/năm; mỗi năm có khoảng gần 3.000 lao động được tạo việc làm mới; 100% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế…