Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chính là thước đo sự hài lòng của doanh nghiệp đối với khả năng điều hành của chính quyền địa phương. Do vậy, khi PCI ở địa phương nào được cải thiện và đạt chỉ số cao thì gần như tỷ lệ nhà đầu tư tìm đến địa phương đó nhiều hơn. Nhìn từ thực tế thu hút đầu tư của tỉnh ta mấy năm gần đây có thể thấy rõ điều đó.
Còn nhớ, thời điểm trước năm 2011, chỉ số PCI của tỉnh luôn đứng ở vị trí khiêm tốn trên bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành trong cả nước, cá biệt có năm xếp trong tốp cuối bảng (vị trí thứ 57). Thời điểm đó, gần như các chỉ số thành phần quan trọng cấu thành PCI của tỉnh đều đạt số điểm rất thấp, trong đó đáng chú ý là các chỉ số về chi phí không chính thức, chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý và tính minh bạch. Đây là những chỉ số mà hầu hết các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều rất quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiếp cận và xúc tiến các thủ tục đầu tư vào tỉnh. Bởi vậy, cả giai đoạn này thu hút đầu tư của chúng ta không đạt được kết quả như mong muốn, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài. Ở thời điểm đó, chúng ta đã không ít lần phải chứng kiến nhà đầu tư có tên tuổi chuyển hướng đầu tư sang địa phương khác sau khi đến tìm kiếm cơ hội tại tỉnh ta. Và khi sức hút đầu tư không được cải thiện đã kéo theo các chỉ số kinh tế quan trọng của tỉnh đạt thấp, nhiều chỉ số còn dưới mức bình quân chung của cả nước, nhất là các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người. Năm 2011, tổng giá trị sản phẩm toàn tỉnh là trên 25.400 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 9,36%, thu nhập bình quân đầu người là 22,3 triệu đồng/năm, thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động và các dự án đầu tư vào tỉnh cũng hạn chế. Tại thời điểm năm 2011, cả tỉnh có khoảng trên 2.000 doanh nghiệp hoạt động và 23 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn khá khiêm tốn, trên 100 triệu USD.
Nhận thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của PCI đối với thu hút đầu tư, bắt đầu từ năm 2012 tỉnh ta đã tập trung cao độ cho cải thiện năng lực điều hành của các cấp chính quyền. Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành chỉ thị về lĩnh vực này với yêu cầu đặt ra là tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng trong cải thiện chỉ số PCI. Trong đó tập trung cải thiện những chỉ số thành phần còn đạt thấp, duy trì và phát huy những chỉ số vượt trội, đồng thời chấn chỉnh lề lối làm việc, tác phong, thái độ của cán bộ công quyền. Để nhanh chóng thu được kết quả, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về PCI, quán triệt tới tất cả các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh tinh thần quyết tâm thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm nhanh chóng cải thiện chỉ số PCI, xóa bỏ rào cản về thủ tục hành chính, trong sạch môi trường đầu tư. Những quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Ngay trong năm 2012, chỉ số PCI của tỉnh đã vượt tới 40 bậc so với năm 2011 để đứng ở vị trí thứ 17 trong bảng xếp hạng. Trong hồ sơ về PCI toàn quốc năm 2012, Thái Nguyên trở thành hiện tượng được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (đơn vị đồng tổ chức công bố chỉ số PCI) đánh giá là một trong số ít tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế tốt.
Có lẽ chính sự cải thiện vượt bậc này mà Thái Nguyên tạo được sự chú ý đặc biệt cho các nhà đầu tư, trong đó có các tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài. Năm 2013, Tập đoàn Samsung sau khi tìm hiểu và nghiên cứu thực tế môi trường đầu tư tại tỉnh ta đã quyết định đầu tư vào địa phương với số vốn lên tới hàng tỷ USD. Và thực tế, sự lựa chọn của Tập đoàn lớn nhất nhì đất nước Hàn Quốc này đã hoàn toàn đúng đắn khi toàn bộ các thủ tục cần thiết cũng như trên 150ha mặt bằng sạch ở Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên) đã được tỉnh bàn giao cho nhà đầu tư chỉ trong 57 ngày, điều mà chưa từng có ở địa phương. Trước một môi trường đầu tư thuận lợi, sự thân thiện, trách nhiệm và giữ chữ tín của chính quyền địa phương, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, Samsung không chỉ đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào tỉnh mà còn tăng mức đầu tư lên cao gần gấp 2 lần so với dự kiến ban đầu và quyết tâm xây dựng cứ điểm sản xuất điện tử hoàn chỉnh lớn nhất toàn cầu của mình tại Thái Nguyên. Chính sự có mặt của Samsung đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài có số vốn lớn đầu tư vào tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, tính tổng đầu tư của riêng các nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh đã lên tới trên 7 tỷ USD, con số chưa từng có, giúp Thái Nguyên đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ tháng 3-2014 (khi Samsung bắt đầu cho ra sản phẩm) đến nay, các chỉ số kinh tế - xã hội của tỉnh đã có sự tăng trưởng vượt bậc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã tăng trên 20%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm… đều tăng gấp hàng chục lần so với trước.
Khi doanh nghiệp đã thực sự thể hiện sự hài lòng của mình với năng lực điều hành của chính quyền địa phương thì chắc chắn chỉ số PCI sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt. Năm 2014, trong bảng xếp hạng PCI cả nước, tỉnh ta đã vượt nhiều địa phương khác để đứng ở vị trí thứ 8. Kết quả đó đã góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp trên địa bàn, trở thành lực hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư bên ngoài. Chỉ trong khoảng 4 năm (từ 2011) trở lại đây, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tỉnh đã đạt con số trên 4.000, tăng gấp 2 lần so với thời điểm năm 2011; các dự án đầu tư mới vào tỉnh cũng tăng gấp khoảng 2 lần, trong đó số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện tại là 78 dự án; thu nhập bình quân đầu người tăng lên mức 38 triệu đồng/người/năm, vượt trên 15 triệu đồng so với năm 2011.
Như vậy, từ diễn biến tình hình cải thiện chỉ số PCI, kết quả thu hút đầu tư cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh mấy năm qua một lần nữa khẳng định rõ chất lượng điều hành của chính quyền các cấp trong tỉnh. Hy vọng, với quan điểm “chính quyền thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư”, chỉ số PCI của tỉnh năm 2015 tiếp tục tăng bậc, tạo thêm niềm tin và sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.