Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

10:19, 10/08/2015

Những năm gần đây, từ việc phát huy lợi thế về đất đai, cùng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân của huyện Định Hóa đã mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập khá cho kinh tế gia đình...  

Huyện Định Hóa hiện có 12 trang trại, trên 400 gia trại chăn nuôi với quy mô lớn. Hiện, tổng đàn trâu của huyện là 6.985 con, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2014; đàn bò là 1.717 con, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2014; gia cầm là  517.193 con, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2014... Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, sản xuất chăn nuôi của huyện có được kết quả như trên do các hộ dân đã biết tận dụng quỹ đất sẵn có, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Và đặc biệt, để khuyến khích các hộ mở rộng quy mô chăn nuôi, huyện đã xây dựng và triển khai Đề án Phát triển chăn nuôi - thủy sản giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, huyện đã hỗ trợ đầu tư cho 234 hộ phát triển gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và mô hình nuôi cá ao theo hướng bán thâm canh. Các hộ tham gia mô hình sẽ được vay vốn ngân hàng từ 20 đến 100 triệu đồng với hạn mức từ 1 đến 3 năm, đồng thời được huyện hỗ trợ 70% lãi suất vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách - Xã hội. Sau khi được đầu tư hỗ trợ, phần lớn các hộ tham gia Đề án thực hiện tốt các quy định, quy trình kỹ thuật của đề án đề ra. Qua tổng hợp kết quả theo dõi trong 3 năm đối với các hộ thực hiện đề án, giá trị sản xuất của các gia trại, trang trại chăn nuôi đạt gần 40 tỷ đồng, giá trị sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi của huyện không ngừng được tăng lên. Cụ thể: giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2009 mới đạt trên 145,8 tỷ đồng, đến năm 2012 đạt trên 182 tỷ đồng và năm 2014 đã đạt 197,8 tỷ đồng.

 

Tuy tỷ trọng giá trị trong lĩnh vực chăn nuôi những năm qua ở huyện Định Hóa có xu hướng tăng dần trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp, nhưng chiếm tỷ trọng còn thấp. Bởi vậy, trong những năm tới, huyện sẽ chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch vùng chăn nuôi theo Đề án quy hoạch nông thôn mới của từng xã; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án chăn nuôi - thủy sản, đặc biệt là việc tập trung chăn nuôi đại gia súc. Cụ thể, huyện sẽ thực hiện hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt cao sản với mục tiêu: Phấn đấu đến 2020, số lượng đàn bò đạt 8.000 con, sản lượng thịt hơi đạt 1.700 tấn/năm; hỗ trợ tuyển chọn 1.990 bò cái lai Sind có đủ khả năng làm nền để lai tạo sinh sản bò nuôi chuyên dụng thịt cao sản lai BBB, chuyển đổi hình thức chăn nuôi bò quảng canh sang chăn nuôi bán công nghiệp có sự chủ động về thức ăn và tiêu thụ sản phẩm tạo ra chuỗi giá trị giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng sẽ có các cơ chế hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ dân tham gia chăn nuôi...

 

Ông Đàm Tiến Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Trong năm 2015, huyện đã phối hợp với Công ty CP Nam Việt (T.P Sông Công) thực hiện chương trình liên kết trong chăn nuôi bò tại xã Phượng Tiến. Theo đó, Công ty sẽ cung cấp 50 con giống bò cái nền lai Sind cho các hộ dân tham gia (đến nay, Công ty đã hỗ trợ được 19 con bò cái cho các hộ dân); hỗ trợ trồng cỏ ban đầu cho hộ nhận nuôi bò với định mức 2,5 triệu đồng/sào/con bò; thực hiện tiêm phòng cho con giống theo quy định và thụ tinh nhân tạo cho bò cái. UBND huyện cũng sẽ hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn ngân hàng đối với các hộ vay để xây dựng chuồng trại nuôi từ 3 con bò trở lên, hỗ trợ 50% thức ăn tinh liên tục trong 6 tháng (trong vòng 2 năm). Còn đối với hộ dân ở các xã, thị trấn nuôi bò ngoài chương trình phối hợp với Công ty CP Nam Việt, UBND huyện hỗ trợ 20% giống bò cái nền lai Sind, 5 triệu đồng xây dựng chuồng trại, 60% giống cỏ và 40% phân bón trồng cỏ cho nông dân.