Nghề trồng và chế biến chè đặc sản đã gắn bó với người dân xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, phải đến những năm gần đây, sản phẩm chè mang thương hiệu “xóm 5, thị trấn Sông Cầu” mới thực sự được nhiều khách hàng biết đến và ưa chuộng. Việc tích cực áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh chuyển đổi từ giống chè trung du sang trồng các giống chè giâm cành đặc sản có năng suất và chất lượng cao như: Bát Tiên, Kim Tuyên, Chè Nhật, Phúc Vân Tiên… đã góp phần tạo nên sức sống mới của làng nghề chè truyền thống này.
Đến làng nghề chè xóm 5, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự trù phú của vùng chè đặc sản này. Những đồi chè bát úp xanh mơn mởn, trải dài mênh mông, bao quanh những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Con đường bê tông phẳng lỳ, ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi đến trung tâm xóm nơi có nhà văn hóa khang trang, bề thế. Ông Hoàng Xuân Thủy, Trưởng xóm 5 bảo: “Tất cả là từ cây chè đấy nhà báo ạ!” Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm, ông Thủy kể: Cây chè có mặt ở mảnh đất này từ những năm 1960 cùng với sự ra đời của Nông trường Chè Sông Cầu (nay là Công ty Chè Sông Cầu). Khi đó, người dân xóm 5 có khoảng 50ha chè trung du chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho Nông trường. Nhiều năm liền, người dân xóm 5 chỉ sống bằng nghề trồng và chế biến chè. Nhưng từ những năm 2000 trở đi, Nông trường hoạt động kém hiệu quả, giá thu mua nguyên liệu thấp khiến cho cuộc sống của người trồng chè gặp nhiều khó khăn. Hàng chục héc-ta chè đã bị người dân chặt bỏ để trồng keo, bạch đàn… Đến năm 2005, xóm 5 chỉ còn khoảng 15 hộ gia đình bám trụ với cây chè. Diện tích chè của xóm cũng giảm từ 50ha xuống chỉ còn hơn 10ha. Nguy cơ về việc xóa sổ một vùng chè nguyên liệu nổi tiếng thơm ngon bên dòng sông Cầu ngày càng hiển hiện.
Trước thực trạng đó, với mong muốn khôi phục lại nghề trồng và chế biến chè của địa phương, một số hộ trồng chè còn lại ở xóm 5 đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số vùng chè nổi tiếng trên địa bàn tỉnh. Sau khi trở về, một số hộ đã mạnh dạn tiến hành chuyển đổi từ giống chè trung du sang trồng các loại chè giâm cành cho năng suất và sản lượng cao. Ban đầu chỉ có 2-3 gia đình trồng thử vài sào chè cành nhưng sau đó thấy giống chè này cho năng xuất và sản lượng hơn hẳn giống chè trung du nên ngày càng có nhiều gia đình làm theo. Chỉ sau một thời gian ngắn tiến hành việc chuyển đổi cơ cấu giống, diện tích chè của xóm 5 đã dần được khôi phục. Đến năm 2008, tổng diện tích chè của xóm đã tăng lên gần 50ha với chủ yếu là các giống chè cành đặc sản như: Chè Nhật, Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Hùng Đỉnh Bạch, LDP1…
Bên cạnh đó, hàng năm bà con đều tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ - thuật để nắm bắt quy chế trồng, chế biến chè và hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh hiệu quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó mà sản phẩm chè của người dân xóm 5 làm ra đến đâu đều được các doanh nghiệp và thương lái khắp nơi như: Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang… tìm đến tận nơi thu mua hết đến đó. Với việc được tiếp cận các dự án hỗ trợ phát triển cây chè trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm diện tích chè của xóm 5 tăng thêm từ 5-7ha. Hiện nay, trên 95% hộ gia đình trong xóm đều gắn bó với nghề làm chè với tổng diện tích 85ha, trong đó, có 75ha chè cành. Mỗi năm, làng nghề cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn chè khô các loại. Với sự phát triển không ngừng của nghề trồng và chế biến chè ở xóm 5, tháng 3-2012, UBND tỉnh đã quyết định công nhận xóm 5 trở thành làng nghề chè truyền thống cấp tỉnh. Sau khi được công nhận, làng nghề chè xóm 5 được tiếp cận nhiều hơn với các dự án hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, máy móc để phát triển. Nếu như trước đây, người trồng chè quanh năm vất vả cũng chỉ đủ ăn thì nay cây chè đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình trong xóm. Hầu hết các hộ trồng chè ở đây đã vươn lên thoát nghèo, sắm sửa đồ đạc, xây dựng nhà khang trang, nuôi con ăn học đàng hoàng. Hiện nay, làng nghề có 126 hộ gia đình thì có đến 65 hộ giàu, 45 hộ khá, 15 hộ trung bình. Thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 chỉ còn 1,5% (giảm 20% so với năm 2010).
Là một trong những người tiên phong cải tạo giống chè ở xóm 5, gia đình ông Vi Thanh Khoa hiện có hơn 6.000m2 chè Nhật và LDP1. Từ một gia đình kinh tế khó khăn nay gia đình ông đã vươn lên có cuộc sống khá giả với một cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi. Ông Khoa cho biết: “Mỗi lứa gia đình tôi thu hoạch được từ 200 đến 240kg chè búp khô. Giá bán chè Nhật bình quân khoảng 250 nghìn đồng/kg; chè LDP1 khoảng 200 nghìn đồng/kg, cao hơn hẳn so với giá chè trung du (hiện khoảng 150 nghìn đồng/kg). Nhờ cây chè mà gia đình tôi mới có được cuộc sống như ngày hôm nay.”
Cùng với việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu giống chè, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, người dân làng nghề chè xóm 5 còn tích cực tham gia quảng bá thương hiệu chè của mình đến với người tiêu dùng. Hằng năm, làng nghề đều tham gia tích cực vào Lễ hội văn hóa trà của tỉnh. Tại Fastival Trà Quốc tế Thái Nguyên lần thứ nhất (2011) và lần thứ 2 (2013), sản phẩm chè của xóm 5 đã xuất sắc đoạt Cup Bàn tay vàng và Búp chè bạc. Đặc biệt năm 2014, sản phẩm chè mang thương hiệu xóm 5, thị trấn Sông Cầu đã được Báo người tiêu dùng Việt Nam chấm điểm và bình chọn là sản phẩm đạt Cup vàng chất lượng, đứng đầu trong top 100 sản phẩm uy tín của cả nước. Cùng với đó, hằng năm Ban quản trị làng nghề cũng thường xuyên đem các sản phẩm của làng nghề đi giới thiệu tại các Hội chợ thương mại như: Hội chợ sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu toàn quốc do Bộ Công Thương tổ chức năm 2013; Hội chợ Xuân năm 2015 tại Hà Nội; Hội chợ thương mại quốc tế Thái Nguyên năm 2015… Nhờ đó, sản phẩm chè của làng nghề chè xóm 5 đã được nhiều khách hàng biết đến và đánh giá cao. Năm 2014, làng nghề chè truyền thống xóm 5 được Hiệp hội làng nghề Trung ương bình chọn là làng nghề tiêu biểu Việt Nam và được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh.