Những ngày đầu tháng 8 này, trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn trên diện rộng. Trước tình hình mưa lũ kéo dài, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh vừa tổ chức kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Đại Từ, T.X Phổ Yên và T.P Thái Nguyên.
Theo thông tin nhanh từ các địa phương về tình hình thiệt hại do mưa lũ, tính đến 16 giờ ngày 2-8 đã có hơn 150ha lúa ở các huyện Đại Từ, Phú Bình, Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai và T.X Phổ Yên bị ngập úng. Đại Từ là địa phương thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lớn này: Tuyến đường giao thông xã Minh Tiến bị sạt lở 200m2; sạt lở bờ sông dài 100m tại xóm Đặn, xã Mỹ Yên; 1 cầu tạm ở xã Vạn Thọ bị cuốn trôi; đường tràn liên hợp xã La Bằng bị sạt lở; ở xã Bình Thuận, vai Gò Thờ và kênh đập Vai Làng bị vỡ, đập Cửa Chùa bị hư hỏng; tại thị trấn Quân Chu, nước lũ xói cắt ngang tuyến đường dân sinh đoạn tuyến Cát Nê - Thậm Thình đang thi công. Về công trình thủy lợi, hồ Hồng Gấm bị nứt dọc theo tim đập do thi công đường Bản Ngoại - Hoàng Nông - Tiên Hội… Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh trong đợt này khoảng 20 tỷ đồng.
Gia đình ông Nguyễn Trọng Nguyên, ở xóm Bắc Hà 2, xã Mỹ Yên (Đại Từ) là 1 trong số 7 gia đình sống ven bờ suối Chì cho biết: Gia đình tôi sinh sống tại đây từ năm 1988. Năm 2001 xảy ra 1 trận lũ nhưng chỉ quét qua. Ngày 1-8 vừa qua, trận lũ lớn tràn qua khiến bờ kè của gia đình tự kè (dài 25m, rộng 1m, cao 3m) và đoạn kè đá dài 70m ở phía trên bị sạt lấn vào phía sau nhà 7m. Gia đình tôi đã đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ rọ sắt để gia đình tạm thời khắc phục sự cố, đề phòng tình trạng sạt lở trong những trận mưa lũ sắp tới.
Trực tiếp đi kiểm tra tuyến đường Mỹ Yên - Khôi Kỳ, đoạn đường 40m bị sạt và các hộ dân bị sạt lở vào chiều 2-8, ông Nguyễn Thành Nam, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Đại Từ khẩn trương có những biện pháp khắc phục sự cố sạt lở tại các hộ dân; tiếp tục theo dõi sát tình hình mưa lũ để có các biện pháp chỉ đạo kịp thời, đồng thời xây dựng phương án để kịp thời di chuyển các hộ dân đến nơi an toàn. Đối với điểm sạt lở trên các tuyến đường, yêu cầu UBND huyện lập Barie cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này.
Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKKN tỉnh cũng đã có Công điện số 142 chỉ đạo các biện pháp ứng phó, như: Văn phòng Thường trực tổ chức trực 24/24 giờ, nắm chắc tình hình mưa lũ xảy ra, kịp thời có những phương án chỉ đạo; rà soát tất cả các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, kịp thời có những phương án bảo đảm an toàn các hồ đập và lên phương án di dời các hộ dân; Còn về hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ gây ra, các địa phương tiếp tục thống kê báo cáo về Văn phòng Thường trực để có biện pháp hỗ trợ kịp thời…
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKKN đang tiếp tục trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ và phối hợp với các huyện thành, thị, chỉ đạo kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất do mưa lũ gây ra; thường xuyên theo dõi diễn biến và tổ chức di dời các hộ dân tại các nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đôn đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh theo dõi chặt chẽ mực nước hồ Núi Cốc qua tràn tuân thủ đúng theo quy trình vận hành của Bộ Nông nghiệp - PTNT phê duyệt.