Với quan điểm ưu tiên dùng hàng trong nước vừa để ủng hộ doanh nghiệp nội, vừa vì sự phát triển của chính mình, trong những năm qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau đã và đang tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động…
Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên bày tỏ sự ủng hộ cao chủ trương người Việt cần ưu tiên dùng hàng Việt để thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Bởi thế, nếu 2 mặt hàng có chất lượng, mẫu mã và giá thành tương đương, hoặc chênh nhau không đáng kể thì bao giờ tôi cũng chọn mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ trong nước. Chỉ những sản phẩm nào trong nước không có hoặc không đáp ứng được yêu cầu sử dụng của đơn vị, chúng tôi mới sử dụng hàng ngoại nhập. Quả nhiên, theo quan sát của chúng tôi, đại đa số trang thiết bị, máy móc, bàn, ghế, tủ, két sắt, máy đếm tiền, trang phục của cán bộ, nhân viên và các thiết bị, văn phòng phẩm… của đơn vị đều là hàng trong nước. Ông Hà Mậu Quý bảo, thực tế sử dụng, điều mà tôi dễ dàng nhận ra là chất lượng hàng hóa trong nước ngày càng được nâng cao, nhất là đối với những sản phẩm được công nhận là Hàng Việt Nam chất lượng cao. Nếu như trước đây, cá nhân tôi chưa mấy tin tưởng dùng hàng trong nước, thì những năm gần đây, suy nghĩ ấy đã căn bản thay đổi, đặc biệt là đối với những hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Không chỉ ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam một cách trực tiếp, BIDV Chi nhánh Thái Nguyên còn khuyến khích khách hàng chú trọng sử dụng dây chuyền thiết bị được sản xuất, lắp ráp trong nước. Đơn cử như việc cho vay để sản xuất gạch, nếu người vay mua thiết bị do Việt Nam sản xuất thì khả năng được vay vốn sẽ cao hơn, còn nếu nhập khẩu từ Trung Quốc thì hầu hết không được đáp ứng, hoặc để được đáp ứng thì phải đảm bảo được những yêu cầu mà BIDV đưa ra (chẳng hạn như phải có một ngân hàng có uy tín của Trung Quốc bảo lãnh…). Ngoài ra, BIDV Chi nhánh Thái Nguyên cũng luôn mong muốn, khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm lẫn nhau mà sản phẩm đó được sản xuất trong nước, bằng cách thông tin, giới thiệu về các bên. Đơn cử như trường hợp của Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên và Công ty TNHH Sơn Luyến đều là khách hàng truyền thống của BIDV. Trong khi Công ty CP Gang Thép nhập khẩu một lượng lớn than mỡ, còn Công ty Sơn Luyến lại khai thác được sản phẩm này nên BIDV Chi nhánh Thái Nguyên đã “tình nguyện” làm trung gian giới thiệu, tư vấn để Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên nhập than của Công ty TNHH Sơn Luyến…
Cũng có quan điểm như BIDV, ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Chi nhánh Thái Nguyên cho rằng chất lượng hàng nội những năm qua được nâng lên rất nhiều. Nếu đem so sánh về mẫu mã, chất lượng và giá thành thì rất nhiều sản phẩm trong nước có giá trị tương đương hàng ngoại nhập nhưng giá bán thì lại thấp hơn rất nhiều. Niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa trong nước có thể nói ngày càng nâng lên đáng kể. Ông Nguyễn Ngọc Ân cũng cho biết, đối với những sản phẩm được sản xuất ngay trên địa bàn tỉnh, bản thân ông và Chi nhánh MB càng có ý thức ưu tiên sử dụng, bởi lẽ khi doanh nghiệp có tình hình sản xuất, kinh doanh tốt sẽ tác động tích cực trở lại đối với các ngân hàng. Ngoại trừ hệ thống máy tính được nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài, đại đa số tài sản mà MB Thái Nguyên đang sở hữu, sử dụng đều có nguồn gốc xuất xứ trong nước.
Không chỉ có BIDV, MB, mà nhiều ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh như: Ngân hàng Nhà nước, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương… trong những năm qua cũng luôn ưu tiên sử dụng các sản phẩm trong nước, đều với mong muốn góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp nội. Thậm chí, ở Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT, Công đoàn Chi nhánh còn tổ chức phát động đến toàn thể cán bộ, người lao động trong cơ quan về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động, giúp mỗi người nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với sự phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến rất đáng ghi nhận thì hàng hóa trong nước hiện vẫn còn không ít hạn chế về chủng loại và mẫu mã. Rất nhiều mặt hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc chỉ sản xuất được một phần, còn lại phải nhập khẩu hoặc sản xuất được nhưng chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu người dùng, đặc biệt là những mặt hàng công nghệ cao, đòi hỏi hàm lượng chất xám lớn. Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo khả năng mình có chứ không phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường; nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm chú trọng đến việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm; mẫu mã chưa thực sự bắt mắt và ít có sự thay đổi... Còn ông Hà Mậu Quý thì cho rằng, giữa các doanh nghiệp còn thiếu tính liên kết, sản xuất manh mún, do đó sự hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh còn rất hạn chế… Thực tế này đòi hỏi phải có những tổ chức, hiệp hội đứng ra liên kết, định hướng cho doanh nghiệp để việc sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm của họ trở nên thuận lợi, chất lượng hàng hóa nhờ đó cũng sẽ được nâng cao, đáp ứng tốt hơn trước nhu cầu của khách hàng.