Xã thuần nông tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

17:11, 17/08/2015

Thịnh Đức là xã thuần nông của T.P Thái Nguyên với gần 80% số hộ làm nông nghiệp. Những năm gần đây, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đời sống của bà con không ngừng được nâng cao.

Đến xã Thịnh Đức mùa này, đi qua những cánh đồng lúa xanh ngát đang thời làm đòng, nhấp nhô quanh đó là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, chúng tôi cảm nhận được mảnh đất nông nghiệp nơi đây đang đổi thay từng ngày. Theo ông Lê Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND xã, khoảng năm 2010, đời sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn do chưa biết lựa chọn những cây trồng phù hợp với đồng đất của địa phương nên năng suất thấp, sản lượng không cao. Bởi vậy, thu nhập bình quân khi đó chỉ đạt 7 triệu đồng/người/năm. Thế nhưng, từ 2013 đến nay, bà con đã biết chuyển đổi những cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng những cây đem lại lợi nhuận cao, cùng với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật, do vậy, nhiều hộ trong xã đã trở thành những hộ khá và giàu; thu nhập bình quân của người dân trong xã năm 2015 đạt 23 triệu đồng/người/năm (tăng 16 triệu so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 10% thì nay giảm xuống còn 2,5%...

 

Gia đình ông Đỗ Văn Minh, ở xóm Bến Đò là một trong những hộ dân điển hình của xã trong việc chuyển đổi cây trồng. Ông Minh cho biết: Gia đình tôi có 4 mẫu ruộng, trước kia toàn bộ số ruộng trên tôi chỉ cấy 2 vụ lúa và trồng thêm lạc, đỗ tương, thu nhập chẳng được là bao lại vất vả đêm hôm. Đầu năm 2014, được sự động viên của cán bộ xã và sự tìm tòi, học hỏi của bản thân, tôi đã quyết định chuyển toàn bộ đất ruộng sang trồng quất và cam đường canh. Tết năm vừa rồi tôi xuất bán vụ quất đầu tiên với 200 gốc thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Năm nay, tôi mở rộng quy mô lên 800 gốc quất và 2 nghìn gốc cam đường canh, bưởi diễn. Dự kiến sẽ cho thu lãi khoảng trên 500 triệu đồng.

 

Bên cạnh việc chuyển đổi các cây trồng màu có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả cho lợi nhuận cao, xã Thịnh Đức vẫn duy trì diện tích đất lúa nhưng chuyển dần từ trồng lúa thuần cho năng suất thấp sang trồng các giống lúa lai cho năng suất và sản lượng cao như: BTE-1; TH3-3; Nhị ưu 838; Syn6... Bà Nguyễn Thị Lan, xóm Cầu Đá cho biết: Nhà tôi có 10 sào ruộng, trước kia chỉ cấy giống Khang dân cho năng suất khoảng 1,5 tạ/sào. Từ vụ xuân 2015, được sự tuyên truyền của cán bộ khuyến nông xã và tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật gieo cấy, tôi đã mạnh dạn chuyển sang trồng lúa lai BTE-1. Vụ xuân vừa qua, mỗi sào lúa của gia đình đạt 2,5 tạ/sào, cao hơn nhiều so với giống lúa thuần trước đó.

 

Theo số liệu thống kê của xã thì năm 2013, diện tích lúa lai chỉ chiếm khoảng 5%, nhưng nay đã tăng lên khoảng 30% (mỗi vụ trên 100ha) trên tổng diện tích 606ha đất lúa. Được biết, vụ mùa 2015, xã tiếp tục nhân rộng mô hình “cánh đồng một giống” ở 5 xóm: Cầu Đá 15ha; Đức Cường 7ha; Làng Cả, Lượt 1, Ao Miếu mỗi xóm 3ha. Có được kết quả này, xã đã xây dựng phương án cụ thể, chi tiết để tuyên truyền tới người dân. Theo đó, phương án đã nhấn mạnh đến thời vụ và kĩ thuật canh tác là khâu quan trọng để luân canh tăng vụ; sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu đúng liều lượng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe và bảo vệ môi trường. Để làm được điều này thì mỗi cán bộ, đảng viên phải là người nêu cao tính tiên phong, gương mẫu tham gia thực hiện “cánh đồng một giống” để nhân dân làm theo. Không chỉ có vậy, lãnh đạo xã còn trực tiếp xuống từng xóm, nghe ý kiến, nguyện vọng của từng hộ dân để có sự thống nhất, nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình chuyển đổi cây trồng, phân tích để bà con hiểu rõ hiểu quả kinh tế mà lúa lai và các cây ăn quả đem lại.

 

Nói về kế hoạch thời gian tới, ông Lê Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Để đưa Thịnh Đức trở thành xã nông nghiệp trọng điểm của Thành phố, chúng tôi luôn coi công tác tuyên truyền là việc quan trọng và được đặt lên hàng đầu để thay đổi dần nhận thức của bà con trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố triển khai sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng để bà con chủ động nước tưới tiêu và thuận tiện trong việc thu hoạch lúa. Đối với những vùng đất khô hạn, chúng tôi vận động bà con chuyển đổi sang trồng cây ăn quả: quất, cam canh, bưởi diễn... Đầu tư trọng điểm cho một vài hộ gia đình có khả năng làm trước để những hộ khác học tập và làm theo...