Nhằm xây dựng Sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu Sâm Việt Nam mang đẳng cấp quốc tế, UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: sau khi nhận được sự góp ý của các bộ, ngành Trung ương, hiện lãnh đạo huyện đã hoàn thiện hồ sơ “Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) đến năm 2030” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, tập trung triển khai để đưa cây sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) là cây chủ lực phát triển kinh tế xã hội của huyện, đồng thời nâng tầm thành thương hiệu ở đẳng cấp quốc tế.
Sâm Ngọc Linh là loại dược phẩm được xếp vào một trong bốn cây sâm quý nhất trên thế giới (sâm Mỹ, sâm Hàn Quốc, sâm Triều Tiên, sâm Việt Nam), đã được các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao về giá trị kinh tế, công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe.
Tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch vùng phát triển sâm Ngọc Linh tại 7 xã thuộc huyện Nam Trà My với tổng diện tích khoảng 19.000 ha. Trong đó, cây sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My được người dân bảo tồn, phát triển theo một số phương pháp nhất định. Cụ thể, tại ba xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang, huyện Nam Trà My, người dân hình thành 27 nhóm hộ trồng sâm với hơn 653.500 cây sâm bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau. Trại sâm giống Tắk Ngo (thôn 2, xã Trà Linh) do UBND huyện Nam Trà My quản lý có hơn 20.000 cây sâm giống, độ tuổi hai năm. Trại dược liệu Trà Linh trực thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, quản lý tổng diện tích hơn 7 ha với hơn 167.650 cây sâm với nhiều độ tuổi khác nhau.
Tỉnh Quảng Nam xác định mục tiêu từ năm 2015 đến năm 2020, các xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam sẽ trồng 100 ha sâm Ngọc Linh, với số lượng 1 triệu cây; đồng thời xây dựng bản đồ gen cho cây sâm Ngọc Linh để tạo giống gốc cho sâm quốc gia./.